Sập cầu Ghềnh: Đường sắt Bắc- Nam tê liệt

20/03/2016 18:08

Ông Đào Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau vụ sập cầu Ghềnh, hệ thống đường sắt đã bị tê liệt từ ga Dĩ An (Bình Dương) về Biên Hòa (Đồng Nai). Sự cố này cũng đã khiến các chuyến tàu TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội và ngược lại phải ngừng chạy.

Sập cầu Ghềnh: Đường sắt Bắc- Nam tê liệt

Công tác cứu hộ đang được gấp rút triển khai.

Để khắc phục sự cố này, sau khi kiểm tra các lý trình, lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam đã quyết định bố chí vận chuyển hành khách và hàng hóa miễn phí từ ga Biên Hòa về Sài Gòn và ngược lại. Đối với các đôi tàu Bắc Nam, ngành đường sắt sẽ yêu cầu dừng ở ga Biên Hòa hoặc Hố Nai của Đồng Nai, sau đó đi ô tô vào TP Hồ Chí Minh. Công đoạn này cũng áp dụng cho hành khắc từ Nam ra Bắc. “Ngành đường sắt sẽ nỗ lực, thực hiện các phương án, không vì sự cố sập cầu Gềnh, khiến giao thông đường sắt không thông suốt. Hành khách đều được thông báo và lời xin lỗi từ phía ngành đường sắt. Đây là sự cố không ai mong muốn”, ông Hoạch cho biết.

Theo thông cáo phát đi từ Bộ GTVT, vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20-3-2016, tàu kéo sà lan (chưa biết số hiệu) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu. Cụ thể, vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1. Vụ tai nạn đã khiến xà lan bị lật úp trên sông. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.

Ngay sau khi xảy ra sự cố xảy ra, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục sự cố.
Công an vào cuộc điều tra
Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kịp thời phong tỏa và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa – Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An đã được nhân viên gác chắn ĐN km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, Cục đã chỉ đạo công ty quản lý bảo trì đường thủy số 10 thả phao để điều tiết tuyến luồng giao thông, đồng thời yêu cầu các phương tiện đường thủy đi tránh luồng bị sập dầm cầu. Bên cạnh đó, cảng vụ 3 đang điều tra chiếc sà lan đâm vào cầu Ghềnh thuộc đơn vị nào, đi từ đâu và phương án vận hành ra sao, cũng như xác định ai là người điều khiển chiếc sà lan.

Công an tỉnh Đồng Nai cũng đang ráo riết vào cuộc để điều tra những nguyên nhân xung quan vụ đâm sập cầu Ghềnh.

Lập tổ công tác đặc biệt khắc phục sự cố

Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Tổ công tác do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa VN và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải. Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu; đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa; đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố cầu…

Tuấn Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sập cầu Ghềnh: Đường sắt Bắc- Nam tê liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO