Tập trung ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Đức Sơn (thực hiện) 06/03/2017 09:15

Tại thời điểm này, diễn biến dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang là mối đe dọa lớn, nhất là với các tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn. Đây là một thách thức, một nguy cơ nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, quyết liệt. Theo ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thì tỉnh này đang nỗ lực trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

PV: Lạng Sơn là tỉnh biên giới có đường biên giới rất dài với Trung Quốc nên nhiều năm qua tình hình buôn lậu gia cầm diễn biến phức tạp, Ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác chống buôn lậu gia cầm trong thời gian qua?

Ông Phạm Ngọc Thưởng: Tỉnh Lạng Sơn có 231,7 km đường biên giới, với nhiều cửa khẩu cùng hàng trăm đường mòn qua biên giới, nên trong những năm qua công tác phòng chống buôn lậu nói chung và buôn lậu gia cầm nói riêng luôn được các cấp, các ngành địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao.

Năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã kiểm tra, xử lý 3.371 vụ, trong đó số vụ vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng cấm 2.298 vụ; gian lận thương mại 971 vụ; hàng giả 102 vụ; đã khởi tố 312 vụ với 441 đối tượng.

Trong đó, số vụ có liên quan đến gia cầm đã kiểm tra là 306 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 148 vụ. Bắt giữ gần 700 kg gia cầm thịt và khoảng 300 nghìn con gia cầm giống, trên 3.000 quả trứng, gần 70 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm.

Riêng đợt cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các lực lượng đã kiểm tra 25 vụ có liên quan đến gia cầm, xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ. Bắt giữ 95 kg gia cầm thịt và khoảng 30 nghìn con gia cầm giống, gần 4,9 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm.

Nhìn chung, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế và giảm thiểu so với năm trước, không để hình thành các đường dây, tụ điểm nóng.

Hiện nay ở Trung Quốc, nhất là các khu vực giáp với Lạng Sơn đang bùng phát dịch cúm gia cầm nguy hiểm và có nguy cơ lây lan sang nội địa nước ta. Vậy, ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm vào Lạng Sơn, thưa ông?

- Trước thực trạng trên, Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào tỉnh Lạng Sơn.

Lực lượng biên phòng duy trì các lán chốt chặn 24/24h trên các tuyến đường mòn biên giới trọng điểm. Các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tuyến sau để bảo đảm ngăn chặn triệt để việc đưa gia cầm nhập lậu vào sâu trong nội địa.

Mặt khác, UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện biên giới chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, UBND các xã phối hợp tốt với lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ về tình hình dịch cúm A/H7N9 và mối nguy hiểm khi lây lan sang người để không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, cũng như việc nhận quà biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Đặc biệt, ngày 26/2, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm qua biên giới.

Thông qua đó, tiếp tục quán triệt tới các sở, ngành chức năng trên địa bàn về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống cúm gia cầm xâm nhiễm qua biên giới.

Thưa ông, trong công tác ngăn chặn dịch cúm gia cầm, ngăn chặn gia cầm nhập lậu và nhập khẩu gia cầm từ biên giới, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn gặp phải những khó khăn gì?

- Công tác đấu tranh chống buôn lậu gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua gặp một số khó khăn như: Tuyến biên giới do tỉnh quản lý dài, với nhiều cửa khẩu, đặc biệt là đường mòn, lối mở biên giới có điều kiện thuận lợi cho hoạt động trốn tránh mang vác, vận chuyển hàng hóa nên gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng trên biên giới.

Các hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa hợp pháp theo chính sách dành riêng cho dân cư khu vực biên giới bị các đối tượng xấu lợi dụng phục vụ mục đích buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn để qua mặt các lực lượng chức năng.

Trong khi đó trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu nhìn chung còn thiếu, lạc hậu. Kinh phí hàng năm phân bổ cho các lực lượng để phục vụ việc mua sắm trang bị nhất là trang thiết bị phục vụ công tác giám định mẫu, bảo quản, tiêu hủy tang vật trong quá trình xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác chống buôn lậu trong tình hình mới.

Khu tạm giữ và tiêu hủy gia cầm nhập lậu tỉnh Lạng Sơn được Ban Quản lý dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam đầu tư xây dựng tại thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc được đưa vào hoạt động từ năm 2011.

Tuy nhiên, một số thiết bị của lò đốt do sử dụng trong môi trường nhiệt độ cao liên tục, rất dễ bị hư hỏng. Do chỉ có 1 lò đốt nên việc dừng hoạt động để bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa thiết bị ảnh hưởng lớn đến công tác tiêu hủy...Vấn đề trên tỉnh đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT nhưng chưa được xem xét, xử lý.

Trong nhiều năm qua tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới Lạng Sơn diễn biến phức tạp, lượng gia cầm thẩm lậu nhiều, vậy các ngành chức năng phòng chống buôn lậu gia cầm hoạt động đã thực sự hiệu quả?

- Do thị trường luôn bị điều tiết bởi quy luật cung - cầu nên công tác phòng chống buôn lậu trên các tuyến biên giới nước ta nhìn chung đều diễn biến phức tạp, trong đó có địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tùy thời điểm trong năm mà các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh hay yếu. Thực tế chưa có con số thống kê cụ thể lượng gia cầm thẩm lậu qua địa bàn Lạng Sơn là bao nhiêu.

Tuy nhiên, xét về số vụ việc vi phạm về buôn lậu gia cầm trên tổng số các vụ việc đã phát hiện, ngăn chặn, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo số liệu thống kê gầy đây thì chiếm tỷ lệ không nhiều (148/3.371; khoảng 4,4%).

Với trách nhiệm của tỉnh biên giới, Lạng Sơn đã rất cố gắng, nỗ lực trong các hoạt động phòng chống buôn lậu. Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã hoạt động tích cực và hiệu quả, mà những con số về vụ việc vi phạm, hàng hóa bị xử lý là minh chứng cụ thể nhất.

Tuy nhiên với những đặc thù riêng và hạn chế như đã nêu, vẫn còn một lượng hàng hóa nhất định được các đối tượng buôn lậu chuyển về sâu trong nội địa trong đó có gia cầm và các sản phẩm liên quan đến gia cầm.

Trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn sẽ triển khai các giải pháp gì để ngăn chặn hiệu quả dịch cúm gia cầm và tình trạng gia cầm nhập lậu, thưa ông?

- Thời gian tới, bên cạnh việc bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào tỉnh Lạng Sơn.

Trong đó tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác phòng chống buôn lậu gia cầm. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia cầm, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi xảy ra dịch trên địa bàn.

Khẩn trương triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1, năm 2017. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch cúm và công tác chủ động phòng chống cúm trong nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới, từ đó không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu gia cầm.

Tỉnh cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá công tác sẵn sàng phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung ngăn chặn dịch cúm gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO