Ngay sau khi xuất hiện thông tin đăng tải trên mạng xã hội facobook, “Có một trường hợp nghi nhiễm coronavirus đã được đưa vào bệnh viện vùng để cách ly” ở TP Buôn Ma Thuột, ngành Y tế Đắk Lắk đã đi kiểm tra, đồng thời khẳng định thông tin này không chính xác.
Đoàn công tác của Sở Y tế báo cáo về trường hợp “nghi nhiễm coronavirus”.
Ngày 28/1, ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng đoàn kiểm tra của Sở này đã có buổi thị sát, kiểm tra công tác phòng ngừa bệnh truyền nhiễm coronavirus tại Bệnh viện Đa khoa vùng (BVV) Tây Nguyên.
Bác sĩ Võ Minh Thành – Phó giám đốc bệnh viện Tây Nguyên, từ trước Tết Nguyên đán (tức khi dịch bắt đầu bùng phát ở TP Vũ Hán, Trung Quốc) bệnh viện đã có nhiều phương án ứng phó như: ở khu vực Cấp cứu, Khám, Khoa xét nghiệm… đã có bố trí sẵn 1 khu vực dự phòng theo đúng chuẩn quy định của Bộ Y tế. Khoa truyền nhiễm dành hẵn 1 tầng. Trong trừng hợp cần thiết, huy động toàn bộ khoa.
“Chúng tôi đã nhận từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật nhiều dụng vụ bảo hộ y tế gồm 90 bộ quần áo phòng hộ (mũ, ủng, khẩu trang, áo). Quan điểm của bệnh viện, ngoài công tác chăm sóc người bệnh, việc bảo vệ an toàn đội ngũ y bác sĩ cũng quan trọng không kém. Nhân viên của chúng tôi phải được an toàn tối đa” – bà sĩ Thành nói.
Khu vực cách ly nếu bệnh dịch xảy ra.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Thanh Hiền – Phó viện trưởng Viện dịch tễ Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân nằm trong diện “tin đồn trên mạng xã hội facebook” là một nam giới, công tác tại một hãng hàng không. “Người này xuất phát từ Hàn Quốc, sau đó về TP Hồ Chí Minh thì có hiện tượng sốt nhẹ, nên đã đi xét nghiệm cũng như chữa trị ở Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh). Sau khi về TP Buôn Ma Thuột, người này tiếp tục xuất hiện các triệu chứng nói trên, rồi tiếp tục vào BVV Tây Nguyên chữa trị.
Có 2 yếu tố kết hợp với nhau, thì mới sử dụng được thuật ngữ “nghi nhiễm dịch bệnh coronavirus”. Thứ nhất, có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, rát họng…; thứ 2, người này xuất phát từ vùng có dịch bệnh (tức TP Vũ Hán, Trung Quốc – PV).
Như vậy, theo quy định của Bộ Y tế, chưa khẳng định được bệnh nhân này nằm ở diện nghi ngờ. Nếu anh này tiếp xúc với người Trung Quốc, đặc biệt là người ở TP Vũ Hán, sau đó bệnh nhân đó mới nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Ngành y sẽ làm các nước tiếp theo, cách ly và triển khai các phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Việc thông tin như trên mạng xã hội chưa kiếm chứng sẽ gây tâm lý hoang mang trong dư luận” – ông Hiền nói.
Ông Nay Phi La khẳng định, hiện tại ở Đắk Lắk chưa có ca nhiễm virus corona. “Tuy vậy, chúng tôi không hề chủ quan. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan, cũng như chữa trị cho người bệnh đã sẵn sàng. Chúng tôi đã đề nghị với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch thông báo ngay cho đoàn khách quốc tế ở các khách sạn, các tuor du lịch cần báo cáo gấp cho ngành Y tế những trường có các biểu hiện dịch bệnh để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời” – ông Nay Phi La nói.