Thu phí cách ly nên thế nào?

Nguyên Khánh 24/03/2020 08:00

Nếu không thu phí cách ly sẽ tạo gánh nặng ngân sách quá lớn, nhưng nếu thu phí sẽ có thể xảy ra tình trạng trốn cách ly. Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cần nghĩ tới giải pháp thu phí ăn, ở với người cách ly vì dịch Covid-19, song đây phải được xem là phương án cuối cùng.

Thu phí cách ly nên thế nào?

Khách đến khu cách ly có trả phí tại khách sạn Phương Nam, huyện Cần Giờ, TP HCM.

Theo ông Bùi Đức Thụ không phải ai chúng ta cũng có thể tính đến chuyện thu phí được. Vì nếu người nghi nhiễm Covid-19 tham gia đóng bảo hiểm y tế, những trường hợp đó bảo hiểm chi trả, ngân sách nhà nước không phải hỗ trợ. Còn lại những người không có bảo hiểm, như nông dân chẳng hạn, phần đông là những người khó khăn. Nếu thu phí ăn, ở trong thời gian cách ly với đối tượng này thì không phù hợp. Nếu chúng ta huy động xã hội hóa, huy động việc đóng góp của chính người nghi nhiễm lại dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Vừa qua đã có nhiều người né tránh cách ly, cũng do bị một bộ phận dân cư kỳ thị, nên họ trốn tránh…. Nếu cộng thêm việc cách ly phải đóng nộp tiền, không chỉ gây khó khăn cho chính bản thân những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn có thể khiến họ trốn cách ly mà hậu quả còn đáng sợ hơn.

Ông Thụ nêu quan điểm: Nếu dịch bệnh kéo dài, thì phải tính xem sẽ “cõng” được đến đâu, kham được đến khi nào? Còn có quyết định thu phí ăn ở hay không, thu vào thời điểm nào, theo tôi phải căn cứ vào diễn biến tình hình cụ thể. Khi ngân sách nhà nước còn chịu được thì buộc phải “cõng”. Còn nếu như dịch bệnh phát triển mạnh lên, không “cõng” được nữa thì mới tính đến giải pháp tiếp theo: Nhà nước phải lo cái gì, lo bao nhiêu? Người bệnh, hay người cách ly phải đóng góp mức độ bao nhiêu?

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, cái gì cũng có hai mặt, đối với người Việt, nhất là đối tượng chính sách, không nên thu. Nhưng với người nước ngoài có cân nhắc tính phí hay không? Bởi nếu mình vẫn miễn phí, không cẩn thận, nước ngoài vào chữa trị ở Việt Nam sẽ là gánh nặng cho Việt Nam. Ngay cả những người Việt ở nước ngoài về, nếu có điều kiện thì mình vẫn có thể vận động họ, mà thực tế có rất nhiều người tự nguyện đóng góp rồi.

Trả lời câu hỏi nếu không thu phí cách ly, liệu có lo ngại tình trạng người nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam gây gánh nặng cho ngân sách, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Mình cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để rồi mình cách ly họ thì lợi bất cập hại. Phải có chế độ, chính sách ngăn những người bị bệnh nhập cảnh vào Việt Nam. Nếu họ đã nhiễm bệnh, phát hiện ra ở các điểm nhập cảnh thì phải trả lại nguyên quán của họ hoặc phải có chính sách không phát phiếu nhập cảnh cho bất kỳ công dân của quốc gia có dịch vào Việt Nam. Mình phải áp dụng chính sách đó để tránh chuyện họ tràn vào Việt Nam để rồi phải cách ly. Còn những người đã và đang ở Việt Nam sau khi mình có chính sách như thế mình phải cách ly họ, chuyện họ cách ly là ngoài mong muốn, mình phải đối xử với họ công bằng như những công dân khác.

Với chi phí khám chữa bệnh, nếu người nhập vào Việt Nam biết mình bị bệnh, có bằng chứng họ bị bệnh mà vẫn vào Việt Nam thì phải xem trách nhiệm ở chỗ nào? Nếu họ qua được tất cả các cơ quan hải quan, an ninh để có thể nhập cảnh trong trường hợp đó họ phải chịu trách nhiệm, thậm chí mình có thể truy tố họ. Trong trường hợp đó, phí cách ly họ phải chịu. Nhưng mình phải có quy định, công dân của nước nào không được phép nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm dịch. Trong trường hợp họ vô tình hoặc vì sự sơ suất của các cơ quan an ninh kiểm dịch, để họ vào mà không phải là họ chủ ý thì nên đối xử như công dân Việt Nam.

Để giảm áp lực cho ngân sách, ông Hiếu cho rằng, trong trường hợp người nước ngoài chữa bệnh tại Việt Nam mà họ có bảo hiểm sức khỏe, những bệnh phí ở Việt Nam có thể được bồi thường do hãng bảo hiểm chi trả. Trong trường hợp đó, mình có thể yêu cầu công dân nước ngoài được chữa trị ở Việt Nam hoàn trả tất cả chi phí cách ly cho Việt Nam thông qua hãng bảo hiểm của họ.

Ngày 23/3, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại TP HCM có đủ điều kiện làm khu cách ly tập trung đã bắt đầu phục vụ nhu cầu cách ly người nước ngoài và người Việt Nam từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, lưu trú theo hình thức có trả phí. Theo Sở Du lịch TP HCM, trong số 197 trường hợp đang cách ly ở huyện Cần Giờ đã có 75 trường hợp đang cách ly tập trung tại BV Cần Giờ, trong khi đó khách sạn Phương Nam có 43 trường hợp; resort Cần Giờ có 30 trường hợp; khu resort Mangrove đón 49 khách đến cách ly. Tổng cộng đã có khoảng 122 trường hợp đã chuyển vào các khu cách ly có thu phí.

Lê Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu phí cách ly nên thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO