Thương sao lại 'cho roi'

Vi Cầm 02/06/2020 08:00

Tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em, tháng có ngày Quốc tế thiếu nhi, nêu vấn đề trẻ bị bạo hành có lẽ là điều không vui. Nhưng không thể không nhắc tới, bởi liên tiếp những ngày qua vẫn có những trẻ nhỏ bị chính cha mẹ ruột bạo hành vì nghịch ngợm đổ cát vào gạo; hoặc bị cô giáo đánh đến bầm tím cả vai ở trường vì viết chậm…

Trẻ bị người lớn/người thân bạo hành, ngược đãi đã trở thành vấn đề đáng báo động. Nhưng đáng nói hơn là nhiều người vẫn có quan niệm rằng con mình đẻ ra mình có quyền đánh để dạy dỗ, hoặc trò kém thì thầy cô được quát mắng, thậm chí sỉ nhục là đương nhiên…

Trẻ con bị cô giáo đánh mắng ở trường vì học kém, vì chậm hiểu… thật ra rất sợ cô mà về không dám nói với bố mẹ. Cũng không biết nỗi sợ hãi này có từ đâu, từ khi nào…nhưng đa phần học sinh tiểu học không dám phản kháng hoặc chưa thể hiện rõ rệt sự phản kháng bằng hình thức tranh luận để cô- trò cùng chia sẻ, hiểu nhau hơn. Âu cũng bởi các cháu còn quá nhỏ tuổi. Nhưng nếu vì suy nghĩ cho rằng các cháu còn quá nhỏ, mà người lớn hành xử hoặc nói những lời xúc phạm trẻ, nhiếc móc học sinh trên lớp, chứng tỏ người lớn đã hành xử quá sai với các cháu, không hề tôn trọng trẻ con.

Tương tự như thế, trong mỗi gia đình, nếu ngứa mắt vì những đứa trẻ chưa nghe lời, hoặc nghe lời theo một cách riêng của chúng, dám phản biện lại mà các bậc phụ huynh vẫn cho rằng “thương cho roi cho vọt” là giải pháp duy nhất, thì có lẽ họ chưa bao giờ quan tâm đến quyền của trẻ em.

Các chuyên gia chỉ ra rằng khi bạo hành một đứa trẻ - dù là nhẹ nhất như tét mông, tạt má…đã chứng tỏ sự bất lực, sự thiếu kiên nhẫn của người lớn. Trẻ con rất giỏi quan sát và học hỏi từ người lớn, nên rất có thể bạo lực từ trong gia đình hôm nay sẽ dẫn tới bạo lực khi tới trường và sau này là bạo lực ngoài xã hội. Cách dạy dỗ con trẻ của người xưa là do sự áp đặt của xã hội, người lớn lên con trẻ quá nặng nề. Hậu quả là tuổi thơ luôn gắn liền với những trận đòn đến nỗi nhiều năm sau này, người ta vẫn bị ám ảnh.

Khi ngồi bàn về chủ đề này, có những người chia sẻ, họ không lớn lên bằng những trận đòn roi của bố mẹ, mà bằng những câu chuyện rủ rỉ về tình người của bà giáo già về hưu bên hàng xóm. Vì thế quan niệm “thương cho roi, cho vọt…” lâu nay chỉ là sự ngụy biện. Phụ huynh khác lên tiếng: Đánh con mình là một hành động kém văn minh. Có thể bạn đúng, đánh bọn trẻ sẽ giúp nó vâng lời, “ngoan” hơn. Nhưng bạn có thể không biết điều đó tạo ra tâm lý sợ hãi nơi bọn trẻ, từ đó dẫn đến mất sự tự tin, và nhiều hệ lụy sau này. Trẻ con vốn rất ngây thơ và không nhận thức được cái nào đúng cái nào sai, chúng rất mong được sự chỉ dạy từ người lớn. Kỷ luật nghiêm khắc quá sẽ làm cho những đứa trẻ trở thành nhút nhát.

Rõ ràng khi quá nhiều đòn roi và nước mắt, gia đình và môi trường giáo dục đâu còn những giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung. Ngược lại chỉ làm trẻ hổng kỹ năng sống. Tệ hơn dẫn tới một cách nghĩ là nếu xảy ra tranh cãi, xung đột, chỉ có một cách ứng xử duy nhất là bạo lực để giải quyết.

Nếu người lớn vẫn mãi giữ những quan niệm cố hữu, bảo thủ, thì vẫn còn đó không ít những đứa trẻ chưa hề biết rằng trẻ em có rất nhiều quyền, trong đó lớn nhất là quyền được yêu thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương sao lại 'cho roi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO