Xả thải 'uy hiếp' nguồn nước

Lê Anh 17/09/2022 09:00

Việc khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức, kèm theo công tác quản lý lỏng lẻo nguồn xả thải ra kênh rạch, hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về hạ tầng, môi trường, sức khỏe người dân ở đô thị lớn nhất nước.

Việc xả thải xuống kênh rạch là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở TPHCM ngày càng trầm trọng.

Cấp bách bảo vệ nước ngầm

Tại buổi tọa đàm về đảm bảo nguồn cung nước sạch và hạn chế khai thác nước ngầm tại TPHCM mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng ô nhiễm nguồn nước luôn là chủ đề nóng của các “siêu đô thị”. Ở TPHCM, nhiều người cho rằng nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn là vô tận, vô hạn nhưng chính quan điểm này lại khiến hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước đang vượt mức cho phép.

Theo TS Hà Quang Khải - giảng viên trường ĐH Bách khoa TPHCM, nếu thời điểm năm 2000 việc khai thác nước ngầm chỉ từ 200.000m3/ngày nhưng chỉ 10 năm sau đã lên tới 700.000m3/ngày. Hiện việc khai thác nước ngầm ngày càng quá mức khiến mực nước ngầm bị hạ thấp, gây sụt lún bề mặt tại khu vực huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Nhà Bè cùng nhiều hệ lụy khác.

Khảo sát thực trạng người dân sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày tại TPHCM, cho thấy nhiều con số báo động về chỉ số hóa lý, vi sinh của nguồn nước. Kết quả khảo sát từ năm 2015 lấy mẫu từ 1.400 giếng khoan để kiểm nghiệm thì có tới gần 70 - 80% mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý. Mới đây, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thành phố tiếp tục khảo sát hàng trăm mẫu nước sinh hoạt từ giếng khoan (năm 2021) và kết quả còn đáng lo ngại hơn khi có đến 98% mẫu xét nghiệm đều không đạt các chỉ tiêu pH, Clo dư.

Hay mới đây nhất, thành phố tiếp tục lấy nhiều mẫu nước giếng sinh hoạt để giám sát thì hầu hết đều không đạt chỉ tiêu về pH và Clo dư. Cả hai tiêu chí này rất quan trọng để đánh giá chất lượng nước sạch, vì vậy bà Nga cảnh báo thói quen sử dụng nước giếng khoan của một số khu vực dân cư hiện nay là rất đáng lo ngại đến sức khỏe và điều kiện môi trường sống.

Không chỉ gây ô nhiễm nước ngầm và những tác động đến sức khỏe người dân, các nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố cũng cho thấy kết quả nghiên cứu từ năm 2009 đến nay với mức sụt lún trung bình ở TPHCM lên đến 4cm/năm, do nguyên nhân của hoạt động khai thác nước ngầm.

Ngoài sụt lún, tình trạng xâm nhập mặn ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn; ô nhiễm chì, nhôm trong nguồn nước ở nhiều quận, huyện ở mức 8mg/lít, cao gấp 40 lần hàm lượng cho phép.

Giám sát và quản lý nguồn phát thải

Về các nguồn thải tiếp tục “uy hiếp” gây ô nhiễm nước ngầm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM có đến gần 50 trạm trung chuyển rác thải lớn và hàng nghìn điểm tập kết rác thải lớn, nhỏ rải khắp các quận, huyện. Thế nhưng, để quản lý tốt nguồn thải lên tới khoảng 9.000 - 9.500 tấn rác thải/ngày là một vấn đề khá nan giải.

“Nhìn bề mặt các kênh rạch, nhất là vào thời điểm thấp điểm triều cường đâu cũng ngập ngụa trong rác thải. Vậy thì các nguồn xả thải này ở đâu, quản lý bằng cách nào? Theo tôi chỉ cần quản lý hai đầu mối là phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn trước khi đưa về các khu trung chuyển và kế nữa là các khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải quản lý chặt chẽ giấy phép xử lý nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất” - ông Ninh góp ý.

Từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã cố gắng tham mưu nhiều giải pháp để quản lý các nguồn xả thải và quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên nước nhưng thực tế vẫn còn nhiều chồng chéo.

Ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, đến nay thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý. Nguyên do: Dù đã phân loại hai nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm, gồm doanh nghiệp và người dân, đối với doanh nghiệp muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép và phải có kế hoạch giảm khai thác nước ngầm hằng năm, mức giảm dựa vào điều kiện thực tế chứ không phải ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Đối với khu vực dân cư vẫn rất khó quản lý do nhu cầu sử dụng nước của người dân rất đa dạng.

TPHCM có khoảng trên 257.000 giếng khai thác mạch nước ngầm, chủ yếu là giếng tự phát do hộ dân quản lý và tổ chức khai thác ở quy mô nhỏ. Lưu lượng nước khai thác đang ở mức trên 600.000 m3/ngày, đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy về ngập úng và ảnh hưởng môi trường sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xả thải 'uy hiếp' nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO