Xác nhận người bị nhiễm chất độc hóa học cần hồ sơ như thế nào?

PV (theo VGP) 20/12/2017 15:53

Tháng 9/2015, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (Quảng Trị) làm hồ sơ xin xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông của bà. Tháng 7/2017, cán bộ xã trả lại hồ sơ và yêu cầu phải có bệnh án của bệnh viện trước tháng 4/1975, nhưng các giấy tờ này đều đã thất lạc.

Bà Nhung hỏi, ông của bà có được tạo điều kiện để được xác nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Về việc xác nhận, giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng căn cứ 2 điều kiện:

- Đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.

- Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp sau: Mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; vô sinh; sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.

Việc xem xét xác nhận và giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hiện nay được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.

Đề nghị bà liên hệ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục, hồ sơ.

Về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, tại Khoản 2, Điều 72 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: “Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học để xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học”. Do vậy, việc xác định bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH thì: "Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính quy định tại Khoản 10, Điều 7 Thông tư này chỉ áp dụng với đối tượng có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 ghi nhận mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác nhận người bị nhiễm chất độc hóa học cần hồ sơ như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO