Xanh mặt vì bí đỏ

Tuấn Anh-Văn Yên 26/06/2017 09:25

Sau Gia Lai, Đắk Lắk thì nay nông dân trồng bí đỏ tỉnh Đắk Nông đang thấp thỏm lo lắng khi hàng trăm héc ta trồng bí bước vào thu hoạch nhưng không có đầu ra. Nhiều hộ đành bỏ không ruộng bí vì tiền bán bí không đủ bù tiền công thu hoạch.

Bí rớt giá, thương lái mua cầm chừng khiến người dân lo lắng.

Mùa bí năm trước gia đình ông Phạm Văn Thiệu (trú tại thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) phấn khởi bao nhiêu thì mùa bí năm nay ông lại thất vọng bấy nhiêu khi tiền bán bí không đủ bù lỗ. Đứng bêndiện tích hơn 3 sào trồng bí, đang chín chuẩn bị thu hoạch ông buồn bã nói: “Vụ trước, gia đình tôi trồng 3 sào bí thu hoạch hơn 10 tấn với giá bán tương đối khá nên cũng kiếm lãi được 50 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, năng suất tăng lên khoảng 12 tấn, vậy mà giờ giá xuống thê thảm. Năn nỉ thương lái vào vườn, họ chỉ xem rồi lắc đầu đi chứ không chịu mua. Cứ đà này thì lỗ cả tiền giống, phân bón đầu tư chứ không trông mong gì huề vốn”.

Hiện huyện Đắk Song là nơi có diện tích trồng bí lớn nhất tỉnh Đắk Nông, với hơn 800 héc ta đang bước vào thu hoạch. Thế nhưng với giá bán chỉ 2.000/kg, các thương lái chỉ mua cầm chừng chứ không dám nhập hết cho bà con như mùa trước. Bà Bùi Thị Ngoan, chủ một điểm thu mua bí đỏ trên địa bàn xã Thuận Hạnh cho biết, năm trước chúng tôi mua bí cho bà con tại vườn với giá từ 8 đến 10.000/kg nên các hộ dân trồng bí trúng đậm. Thấy giá cả cao năm nay bà con ồ ạt xuống giống khiến cho diện tích năng suất tăng vọt, cung vượt cầu nên giá cả xuống thấp, bán cả yến bí mới mua được tô bún. Do tùy thuộc số lượng tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh nên chúng tôi chỉ mua theo đơn hàng dưới đó chứ không dám thu mua hết cho bà con.

Bà Đoàn Thị Tốt- Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết, nguyên nhân chính việc giá bí đỏ xuống thấp là do những năm trước giá tăng cao nên người dân ào ạt mở rộng diện tích. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng đạt cao. Cùng với đó, vụ thu hoạch bí đỏ trùng với nhiều địa phương khác dẫn đến cung vượt cầu, khiến sản phẩm bí đỏ không tìm được đầu ra và rớt giá thê thảm.

Bà Tốt cho biết thêm mặc dù từ đầu vụ xã đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng bí đỏ mà cần phải chuyển đổi một phần diện tích sang trồng ngô, khoai lang và các loại cây ngắn ngày khác để tránh rủi ro. Thế nhưng bà con không nghe. Hiện chúng tôi đang liên hệ với doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị để tìm đầu ra cho bà con và đồng thời vận động bà con nên thu hoạch bí về không nên vứt bỏ ngoài đồng. Địa phương khuyến cáo bà con không nên chạy theo giá cả thị trường đổ xô trồng các loại cây vượt quy hoạch mà cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn cây trồng, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, trách lặp lại điệp khúc được mùa rớt giá như hiện nay.

Ông Lê Viết Sinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, việc người dân chạy theo phong trào cây nào được giá diễn ra nhiều năm nay. Huyện chỉ quản lý về mặt định hướng quy hoạch, hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất cho bà con và khuyến cáo người dân không nên đổ xô trồng vượt quy hoạch. Đối với các loại nông sản bà con sản xuất ra bị rớt giá thi huyện không có kinh phí để hỗ trợ, việc này nằm ngoài khả năng của địa phương. Để giúp đỡ bà con tiêu thụ số lượng bí này, huyện cũng đang liên hệ với các doanh nghiệp, chợ đầu mối để kêu gọi họ thu mua giúp bà con. Tuy nhiên, do diện tích bí đỏ được người dân trồng quá lớn nên chính quyền lực bất tòng tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xanh mặt vì bí đỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO