Xây dựng cơ chế kiểm soát, chặn việc ban hành văn bản trái luật

Việt Thắng (thực hiện) 20/06/2016 07:30

Đó là ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đưa ra để dẫn chứng cho câu chuyện loại bỏ các “giấy phép con” cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Trao đổi với ĐĐK, ông Tuấn cho rằng: Phải rà soát, phát hiện các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng để bền vững thì phải xây dựng cơ chế kiểm soát.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Chính phủ cần xây dựng quy trình kiểm soát các thủ tục hành chính một cách hiệu quả. Tất cả các giấy phép, điều kiện kinh doanh mới muốn ban hành thì phải trải qua quá trình thẩm định, thẩm tra chặt chẽ, cân nhắc kĩ lưỡng, giảm thiểu các tác động bất lợi cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

PV:Thưa ông, việc rà soát điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư phải được thực hiện từ năm 2015 để sẵn sàng thực hiện vào thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Theo đó, Luật quy định chỉ có 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng hiện tại có tới 5.000 giấy phép con, trong đó có 3.000 giấy phép con được ban hành trái thẩm quyền. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra quy định về việc các bộ, ngành, địa phương không được quy định về điều kiện kinh doanh đã có từ Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên tình trạng các bộ, ngành vẫn ban hành thông tư quy định về điều kiện kinh doanh; các địa phương vẫn tự đặt ra các điều kiện kinh doanh riêng vẫn khá phổ biến.

Chính vì tình trạng này mà Luật Đầu tư 2014 đã đặt ra hạn 1/7/2016 các điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền phải hết hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc đốc thúc đảm bảo mốc thời gian này.

Nhiều ý kiến cho rằng sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Việc các điều kiện kinh doanh được đặt thêm nhiều, nhiều giấy phép kinh doanh được ban hành mới thậm chí dù đã được bãi bỏ trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 nhưng được khôi phục lại. Theo tôi có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng là lợi ích cục bộ của nhiều bộ, ngành. Được quyền ban hành giấy phép kinh doanh có nghĩa là có quyền cho, có xin - cho là gắn chặt với lợi ích.

Một lý do quan trọng nữa là có một đạo luật tốt nhưng chưa đủ, cần có cơ chế đảm bảo thực thi đạo luật có hiệu quả. Thời gian qua, tinh thần của Luật Doanh nghiệp chưa chuyển động đồng đều trên thực tiễn do chưa có một cơ chế hiệu quả để đảm bảo quá trình thực thi luật. Cơ chế để kiểm soát việc ban hành các giấy phép kinh doanh mới cũng chưa tốt nên dẫn đến tình trạng các đạo luật ban hành sau Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tiếp tục đặt ra các điều kiện kinh doanh mới.

Tháng 4/2016, Thủ tướng đã yêu cầu quyết liệt bỏ các giấy phép con để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh. Nhưng thực tế thì việc triển khai của các bộ, ngành vẫn rất chậm, thưa ông?

- Luật Đầu tư 2014 thông qua vào tháng 11/2014 đã quy định rất rõ việc thời điểm 1/7/2016 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư sẽ hết hiệu lực. Nghị quyết 59 mà Chính phủ ban hành sau đó cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành nhưng mãi đến cuối tháng 4/2016 khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rằng không hoãn thời điểm 1/7/2016 thì các bộ, ngành mới thực sự vào cuộc quyết liệt.

Điều này tạo nên một khối lượng công việc soạn thảo nghị định rất lớn trong một thời gian ngắn. Đảm bảo chất lượng của các nghị định về điều kiện kinh doanh này là một thách thức lớn mà các cơ quan Chính phủ phải thực hiện trong thời gian tới.

Trở lại vấn đề, theo ông cần giải pháp nào để loại bỏ các giấy phép con?

- Tôi cho rằng khởi động quá trình rà soát, phát hiện các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho các doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng. Nhưng để bền vững thì phải xây dựng cơ chế kiểm soát nó. Giống như việc làm sạch bể bơi cũng quan trọng nhưng phải kiểm soát được nguồn nước chảy vào bể.

Chính phủ cần xây dựng quy trình kiểm soát các thủ tục hành chính một cách hiệu quả, tất cả các giấy phép, điều kiện kinh doanh mới muốn ban hành thì phải trải qua quá trình thẩm định, thẩm tra rất chặt chẽ để đảm bảo những quy định này được cân nhắc kỹ lưỡng, giảm thiểu các tác động bất lợi cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng cơ chế kiểm soát, chặn việc ban hành văn bản trái luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO