Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận đàn Bầu là Di sản văn hóa thế giới: Tại sao không?

Trần Mai Anh 30/10/2016 08:29

Thông tin gần đây cho biết, đã có quốc gia lên tiếng rằng cây đàn Bầu là của họ. Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cũng cần phải tiến hành ngay việc xây dựng hồ sơ cây đàn Bầu Việt Nam để trình lên UNESCO trước khi quá muộn. Đồng thời, từ đây cũng đặt ra vấn đề: Chúng ta cần làm gì để phát huy, quảng bá cây đàn Bầu?

Nghệ sĩ trẻ Lê Hoàng Linh.

Cây đàn của người lao động

Quá muộn, bởi gần đây, câu chuyện về cây đàn Bầu (còn được gọi là Độc huyền cầm) - nhạc cụ dân tộc đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đang đứng trước nguy cư bị “mất bản quyền” đã được GS. TS âm nhạc Trần Quang Hải (đang ở Pháp) chỉ ra. Theo GS Hải, từ vài năm nay ở Trung Quốc đã có những festival nhạc dân tộc với những màn biểu diễn đàn Bầu.

Tại các buổi tọa đàm, hội thảo, những chuyên gia hàng đầu, am hiểu và gắn bó nhiều năm với đàn Bầu như NSND Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến, NSND Hoàng Anh Tú, PSG Đặng Hoành Loan… đã có những dẫn chứng, phân tích và lý giải sâu sắc về cây đàn Bầu Việt Nam.

Những băn khoăn về việc làm sao để giữ bản quyền đàn Bầu cũng đã được nêu ra tại 2 cuộc tọa đàm, hội thảo diễn ra gần đây tại Hà Nội. Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đàn Bầu xuất phát từ Việt Nam và không giống bất cứ cây đàn một dây nào trên thế giới bởi “đàn bầu đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội”.

Hơn nữa, nhiều truyền thuyết về cây đàn này cũng đều xuất phát từ Việt Nam và không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Để tìm hiểu về nguồn gốc đàn Bầu, các nhà nghiên cứu đã sưu tập được khá nhiều truyền thuyết hấp dẫn và gần như không trùng khớp với bất cứ truyền thuyết về nhạc cụ nào trên thế giới.

Trong đó, điểm chung nhất của các truyền thuyết là câu chuyện của những người lao động lương thiện, có số phận kém may mắn, được trời (Phật/ ông Bụt) cho cây đàn để kiếm sống bàng nghề hát xẩm.

Là người tâm huyết với cây đàn Bầu, có hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy đàn Bầu, NSND Thanh Tâm cho rằng: “Với những truyền thuyết ấy, là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn Bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, giai điệu chậm rãi da diết nhưng không quá bi ai, vật vã”.

“Dây một mình, tự vọng mãi tiếng ngân nga”

Đàn Bầu duy nhất có ở Việt Nam- các chuyên gia âm nhạc đã khẳng định như vậy. GS Trần Quang Hải, qua nghiên cứu của mình, đã chỉ ra: Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên, Tân Đường thư, Cựu Đường thư… cây đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây, Trung Quốc.

Trong khi đó, theo một số nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc, đàn Bầu chỉ mới được Trung Quốc lưu tâm đến không đầy 20 năm sau này, vì trước đó không thấy dạy đàn Bầu ở các nhạc viện Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chỉ rõ: “Độc huyền cầm của Việt Nam được sáng tạo vào những năm 1770 triều Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) và chơi theo cách đánh vào các điểm có bồi âm chứ không phải đánh dây bấm như đàn “độc huyền cầm” của Trung Quốc viết trong sách của Maurice Courant”.

Các chuyên gia cũng dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động về việc Trung Quốc đã từng cử người sang Việt Nam học hỏi về đàn Bầu. Hoặc như năm 1960, nghệ sĩ Điền Xương của Trung Quốc đi theo Đoàn múa hát Quân giải phóng miền Nam Việt Nam để được thầy Đức Nhuận chỉ dẫn về đàn bầu trong suốt 45 ngày.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu sinh Sun Jin (Tôn Tiến)- người Trung Quốc, cũng đã đến Học viện Quốc gia Việt Nam để bảo về luận án cao học (2009) và luận án tiến sĩ (2015) về cây đàn Bầu Việt Nam.

Tại hội thảo “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Bình Định- Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng: “Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn Bầu Việt Nam được đánh giá rất đặc sắc, độc đáo bởi đây là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam”.

Trước đó, trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016, PGS.TS Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khẳng định: “Nếu phía Trung Quốc có tổ chức Hiệp hội chơi đàn Bầu thì cũng không thể nhận được là đàn Bầu của họ, cũng như chúng ta chơi Violon thì không thể khẳng định Violon là của chúng ta được”.

PGS Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: “Đàn Bầu là nhạc cụ cổ truyền có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Sự thuần Việt thể hiện từ việc chế tác nhạc cụ với các chất liệu là tre, nứa, gỗ… gắn liền với đời sống của nông thôn Việt Nam”.

Đàn Bầu cũng có mặt trong các cuộc chiến tranh, theo chân bộ đội, chiến sĩ ra ngoài mặt trận. Bên cạnh đó, cây đàn Bầu cũng được bạn bè quốc tế nhắc tới như một biểu trưng đặc biệt của Việt Nam.

Khi sang thăm Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thi sĩ Blaga Dimitrova (Bulgaria) đã có những câu thơ nổi tiếng (được nhà thơ Xuân Diệu dịch): “Gẩy trên một dây đàn duy nhất/ Và bỗng dưng nảy ra suối hát/ Tiếng chim kêu, tiếng người nấc/ Một điệu ru con, một trận bão về/ Rồi dây một mình/ Tự vọng mãi tiếng ngân nga/ Tôi run rẩy như tôi hóa câu ca/ Và tôi hiểu: khi dây căng rất mực/ Căng đến mức/ Sắp đứt - thì đây/ Cả vũ trụ về rung động trên dây…”.

Những năm gần đây, đàn Bầu từng được các nghệ sĩ Việt Nam sử dụng để biểu diễn không ít tác phẩm âm nhạc quốc tế. Trong đó có cả những tác phẩm đặc biệt như Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketelby); Sakura (Dân ca Nhật Bản), Danube xanh (Johann Strauss); Hotel California (Ban nhạc Eagles)…

Cần tôn vinh đàn Bầu là Quốc cầm

Để tôn vinh và bảo vệ cây đàn Bầu Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia âm nhạc đều cho rằng, chúng ta cần sớm xây dựng hồ sơ về đàn Bầu để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới vì đàn Bầu xứng đáng được như vậy. Thậm chí, có ý kiến còn đề xuất, chúng ta nên coi cây đàn Bầu là Quốc cầm để khẳng định vị trí của cây đàn Bầu đối với dân tộc Việt Nam.

Theo GS Trần Quang Hải, “việc làm trước tiên là phải trình UNESCO nhìn nhận đàn Bầu là di sản văn hóa của Việt Nam như đã từng làm cho quan họ, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ...”.

NSND Thanh Tâm cũng đề xuất, Bộ VHTT&DL cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn Bầu là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam.

Cần tập trung làm sớm, bởi đúng như GS.TS Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói: Càng để lâu chúng ta càng có nguy cơ mất chủ quyền với cây đàn Bầu của Việt Nam. Đây là chủ quyền văn hóa chúng ta cần phải bảo vệ.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Chúng ta phải tôn vinh cây đàn Bầu của dân tộc giống như người Trung Quốc tôn vinh cây đàn cổ cầm của họ, tức là phải làm thông qua một chiến dịch quy mô và bài bản để rồi thế giới phải công nhận đó là di sản của nhân loại. Cây đàn Bầu có vị trí rất cao đối với người Việt Nam, vì thế cần vinh danh như một di sản quý của dân tộc, cần tổ chức nhiều hoạt động thường niên trong nước và quốc tế liên quan đến đàn bầu. Có như thế một phần vừa đưa cây đàn đến gần hơn với người nghe, vừa khẳng định vị trí của người Việt Nam với cây đàn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận đàn Bầu là Di sản văn hóa thế giới: Tại sao không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO