Xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp

Tuệ Phương 17/11/2022 07:00

Với mục tiêu cải thiện đời sống cho bà con các dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Từ đó, đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển kinh tế.

Bà Triệu Thị Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 88% dân số toàn tỉnh. Thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, tập trung đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, góp phần đưa kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt từng bước hoàn thiện. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 76,95% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa; nhiều tuyến đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được đầu tư cứng hóa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện. Hầu hết các xã có trường mầm non, trường tiểu học; 100% các huyện, thành phố có trường PTTH và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư với một bệnh viện đa khoa tỉnh, quy mô 500 giường bệnh và 8 bệnh viện tuyến huyện; 108 xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động. 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, thư viện xã...

Bà Thúy khẳng định, những năm gần đây đội ngũ cán bộ DTTS ở các xã vùng cao cũng đã từng bước được nâng cao về trình độ, năng lực. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với đặc thù là tỉnh thuần nông nhưng những năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo.

“Bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc phát triển vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn. Một số chính sách không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; kinh tế - xã hội trong vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển và chưa đồng đều; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tuy nhiên do quỹ đất hạn chế nên hiện nay tình trạng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn nhiều. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã triển khai rà soát có 290 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất ở, 745 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất để làm cơ sở hỗ trợ cho đồng bào...” - bà Thúy cho hay.

Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ 2021 - 2025. Theo đó, năm 2022, tỉnh đã đầu tư hơn 495 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng DTTS. Trong đó, tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng khó khăn. Đồng thời tỉnh cũng đã làm tốt công tác định canh, định cư; quy hoạch, sắp xếp khu dân cư hợp lý để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong năm 2022, với mục đích tạo sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với lợi thế, tiềm năng hiện có ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều Kế hoạch để triển khai thực hiện và đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành Kế hoạch số 293 để triển khai hoạt động giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022, trong hệ thống MTTQ các cấp. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, công chức Ủy ban MTTQ các cấp và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường, thị trấn về giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai các hoạt động giám sát của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã đã triển khai các hoạt động giám sát theo các nội dung trong kế hoạch.

Theo bà Triệu Thị Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn, thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục định hướng, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình trên địa bàn tỉnh; xác định hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng để chủ động, tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, căn cứ vào tiến độ thực hiện các hoạt động, thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã được phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO