Xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm

16/07/2021 15:52

Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) với tiếp cận đa ngành, đa cấp đối với các chính sách và chương trình hiện nay có liên quan… để đạt được các đầu ra về dinh dưỡng-sức khỏe, kinh tế- xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gửi lời cảm ơn các tổ chức của LHQ, Ngân hàng Thế giới, cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ đã đồng hành với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp và nông thôn. Ảnh VGP/Hải Minh.

Sáng ngày 16/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đối thoại quốc gia lần thứ hai về Hệ thống LTTP của Việt Nam.

Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam và các đối tác quốc tế tổ chức nhằm hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống LTTP của LHQ sẽ diễn ra vào tháng 9/2021.

Báo cáo về an ninh lương thực và dinh dưỡng 2020 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) ước tính, trên thế giới vẫn còn khoảng 690 triệu người bị đói, khoảng 2 tỷ người đang thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và dinh dưỡng; 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Trong khi đó, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn, đặc biệt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đặt ra những thách thức lớn để bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp14,85% GDP của quốc gia (năm 2020).

Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020.

Ngoài việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống LTTP toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24,23tỷ USD.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, nổi bật như: Khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn yếu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp.

Hội nghị được tổ chức nhằm hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống LTTP của LHQ sẽ diễn ra vào tháng 9/2021. Ảnh VGP/Hải Minh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan cho biết, các dự báo và thực tế biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì thế cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống LTTP thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng an ninh dinh dưỡng, suy thoái môi trường do khai thác tài nguyên quá mức và sử dụng hóa chất, khả năng quản trị sản xuất chế biến và luân chuyển hàng hóa đang là những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

LHQ tại Việt Nam sẽ đồng hành cùng với các đối tác phát triển hỗ trợ Chính phủ chuyển đổi hệ thống LTTP, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ông Kamal Malhotra cam kết.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định ngành nông nghiệp với sự tăng trưởng vượt bậc trong ba thập kỷ qua đã đóng vai trò trung tâm trong những thành công của việc giảm nghèo, an ninh lương thực và bình ổn xã hội của Việt Nam.

Bà Carolyn Turk cho rằng giờ là lúc để ngành nông nghiệp tự chuyển đổi sang trạng thái xanh, bền vững và bao trùm hơn, đồng thời khẳng định Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác sẵn sàng cộng lực với Chính phủ và khối tư nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống LTTP, qua đó giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em. Đây còn là cơ hội để kết nối, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Chính phủ đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; cần giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh phối hợp chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, đa dạng sinh học, rừng và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển và hợp tác Nam-Nam.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận đa ngành vào các chính sách, chương trình có liên quan và đẩy mạnh sự tham gia, hợp tác, hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các đối tác, các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các chuyên gia, tư vấn và người dân nhằm chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, bảo đảm đạt các đầu ra về dinh dưỡng-sức khỏe, kinh tế-xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức của LHQ, Ngân hàng Thế giới, cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ đã cùng đồng hành với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp và nông thôn.

Theo Bộ NN&PTNT, Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của LHQ nhằm định hướng cho hệ thống LTTP được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.

Hội nghị tập trung vào 5 mục tiêu hành độngbao gồm (i) Đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người ; (ii) Chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; (iii) Thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường; (iv) Tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế; (v) Xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP để triển khai thực hiện và rà soát tính phù hợp của hệ thống với tiếp cận đa ngành, đa cấp đối với các chính sách và chương trình hiện nay có liên quan, đảm bảo đạt được các đầu ra về dinh dưỡng-sức khỏe, kinh tế- xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030./.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO