Xây dựng một xã hội lành mạnh

Lục Bình (ghi) 08/10/2015 05:32

Góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng, TS sử học, chuyên gia cao cấp Trần Văn Miều cho rằng, cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, một xã hội pháp trị để dần đẩy lùi tiêu cực.

Ông Trần Văn Miều

Về mục tiêu khái quát, theo ông Trần Văn Miều, tại phần đánh giá tổng kết 5 năm Đại hội XI cũng như tổng kết 30 năm đổi mới của Dự thảo Báo cáo Chính trị, đây là đánh giá công tác của Đảng, Đảng lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chính trị và toàn xã hội như thế nào, thì cần có đánh giá rõ nét, Dự thảo cần làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đề cập đến 5 bài học kinh nghiệm trong 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng lần thứ XI, tiếp sau đó lại có 5 bài học kinh nghiệm 30 năm đổi mới, theo ông Miều nên gộp chung lại để tránh trùng lặp.

Góp ý vào phần nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới, ông Miều cho rằng, Dự thảo Báo cáo Chính trị có nói, tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên có một điểm Dự thảo Báo cáo cần đề cập kĩ hơn đó là vấn đề an sinh xã hội. Đây là cái cốt lõi, thể hiện tính ưu việt của CNXH. Vì vậy ông Miều đề nghị, nên đưa vấn đề an sinh xã hội vào Báo cáo Chính trị cụ thể hơn.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm, theo ông Miều đó là vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Theo ông Miều, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đã đề cập tới vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Các Đại hội trước, Đảng mới đề cập đến xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc… nay có thuật ngữ môi trường văn hóa lành mạnh, thì đây là cái mới.

Tuy nhiên, Dự thảo chỉ đưa ra khái niệm mới về môi trường văn hóa lành mạnh, chỉ đề cập đến các hoạt động văn hóa mà thiếu giải pháp làm thế nào để có môi trường văn hóa lành mạnh. Nên sử dụng thuật ngữ xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, vì nội hàm của nó rộng hơn.

Tức là mối quan hệ giữa con người với người, cộng đồng với cộng đồng, dân tộc với dân tộc, Việt Nam và thế giới… Đặc biệt nhấn đến mối quan hệ của con người với pháp luật, phải ứng xử với pháp luật thế nào mới có môi trường xã hội lành mạnh. Đời sống vật chất đã nâng lên nhiều, nhưng môi trường xã hộichưa tốt làm xói mòn đạo đức, lối sống truyền thống của người Việt Nam. Đây là vấn đề đáng quan tâm, phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để phát triển đất nước.

Lý giải tại sao phải cấp bách là xây dựng môi trường xã hội lành mạnh ông Miều phân tích: Tham nhũng, tiêu cực là một vấn nạn, Đảng đã kiên quyết đẩy lùi “giặc nội xâm” bằng một số Nghị quyết quan trọng, nhưng tình hình vẫn phức tạp, tham nhũng đã theo nhóm nên càng khó trị hơn. Không thể thỏa hiệp với tham nhũng. Nếu làm bất kỳ điều gì cũng phải lót tay, tiêu cực tức là xã hội không còn lành mạnh… Các giá trị đảo lộn thì con người, nhất là giới trẻ sẽ dễ lạc lối.

Vậy làm thế nào để xây dựng một xã hội lành mạnh? Theo ông Miều, phải lãnh đạo xã hội bằng pháp luật, phải thượng tôn pháp luật, không thể duy tình. Muốn thế, phải hoàn thiện thể chế pháp luật. Phải huy động nhân dân tham gia xây dựng pháp luật từ ý tưởng đến phản biện chính sách để cho ra đời điều luật có lợi cho người dân nhất nhưng cũng góp phần quản lý tốt xã hội. Khi có luật phải tuyên truyền, phổ biến để dân hiểu, làm theo.

Đặc biệt, muốn môi trường xã hội lành mạnh phải đảm bảo chăm lo nhu cầu, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Chăm lo việc ăn, ở, việc làm vui chơi giải trí. Nếu thế, chắc chắn dân sẽ luôn ủng hộ, tin Đảng và đi theo Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng một xã hội lành mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO