Xây dựng Nhà nước trong sạch

Tinh Anh 11/03/2022 07:08

Chủ trì cuộc họp về cải cách hành chính mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước.

Muốn đạt được mục tiêu đó, công tác cải cách hành chính phải bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ: “Đoàn kết, kỷ cương; chủ động thích ứng; an toàn, hiệu quả; phục hồi, phát triển”. Đồng thời, phải bám sát thực tiễn để xây dựng bộ máy trong sạch, tránh nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Và muốn xây dựng, hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, do dân, vì dân, không gì khác hơn là các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện công tác cải cách hành chính với tâm thế giảm thiểu tối đa các thủ tục rườm rà, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác cải cách hành chính thời gian qua. Dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ và có những tiến bộ đáng kể, tạo ra cơ chế thông thoáng, môi trường lành mạnh để phát triển.

Cụ thể, trong năm 2021, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 1.100 quy định về kinh doanh. Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định, sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ. Vì thế, chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật được thế giới đánh giá cao.

Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa của các cấp, ngành ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại. Chính điều đó đã hạn chế được khá nhiều các biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh lót tay, bôi trơn đối với người dân, doanh nghiệp.

Hay như việc Bộ Nội vụ đã có nhiều đổi mới trong công tác cải cách hành chính không chỉ giảm phiền hà mà còn có thể triệt tiêu vấn nạn “chạy” bằng cấp, chứng chỉ. Chẳng hạn, cơ quan này đã tham mưu đưa ra quy định phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bỏ quy định bắt buộc về các loại chứng chỉ...

Ngoài ra, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Theo đó, đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội.

Việc thống nhất quản lý dân cư bằng căn cước công dân có gắn chip (tích hợp mọi dữ liệu về nhân thân), bỏ sổ hộ khẩu giấy... chính là một bước tiến dài trong cải cách hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Giờ đây, người dân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện các giao dịch dân sự, làm các thủ tục hành chính mà không bị gây khó dễ.

Nếu như trước đây, mỗi khi cần khai sinh, khai tử, hay thực hiện các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đai..., người dân phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ, đồng thời phải qua rất nhiều “cửa” và bị “om” tới vài tháng, thậm chí cả năm… cũng không xong nếu không có phí “bôi trơn”. Thì, giờ đây các cơ quan chức năng phải chủ động “check” thông tin của người có nhu cầu thực hiện dịch vụ công trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết sớm nhất.

Rất nhiều thuận lợi đến với người dân, doanh nghiệp từ công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ. Không chỉ vậy, các cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ cũng hết cơ hội tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới khẳng định: Cải cách hành chính để phòng chống tham nhũng, tiêu cực!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Nhà nước trong sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO