Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, về chương trình NTM chỉ có điểm đầu không có điểm kết thúc.
Báo Đại Đoàn Kết số 189, ra ngày 8/7 đăng bài “Loay hoay xây dựng nông thôn mới nâng cao”, phản ánh những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình này ở một số xã điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Về việc này, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đây là chương trình chỉ có điểm đầu không có điểm kết thúc, trên cơ sở nông thôn mới (NTM) phải tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho nên không thể chủ quan trước những thành tựu phát triển đã đạt được.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy cho biết sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, to lớn, nổi bật.
Toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện, 330 xã, 858 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 85 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đáng chú ý, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng/người/năm (gấp 4,5 lần so với khi bắt đầu triển khai chương trình); tỷ lệ hộ nghèo ở mức 2,53% (giảm 24,43% so với 10 năm trước).
Từ năm 2010 đến nay đã tổng huy động nguồn lực trên 64 nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm ha đất, nhiều vật tư, vật liệu... do cộng đồng dân cư tự nguyện chung sức xây dựng NTM.
Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Từ đó làm thay đổi diện mạo, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn và miền núi.
PV: Thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các địa phương đang gặp khá nhiều khó khăn, bất cập; là thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, bà có đánh giá như thế nào về các vấn đề này?
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Đúng như vậy, trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, diện tích đất được tích tụ, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa nhiều; năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các sản phẩm nông sản trên thiếu tính cạnh tranh, chưa bền vững. Công tác chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao, cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu còn chậm kéo theo nâng cao thu nhập cho người dân là cả một vấn đề lớn…
Bên cạnh đó là các vấn đề đặt ra trong bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, việc thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí từ chăn nuôi, nước sạch sinh hoạt ở nhiều xã gặp khó khăn, có nơi trở thành vấn đề nổi cộm, đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cảnh quan, chất lượng môi trường nông thôn, kéo theo bản sắc, hồn cốt nông thôn xanh đang dần mai một. Điều đó tác động và gây khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những khó khăn như vừa nêu, cần có nguồn vốn đáng kể để hoàn thành đồng bộ nhiều nội dung, trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, huy động nguồn lực của nhân dân gặp khó khăn, Thanh Hóa sẽ có giải pháp nào cho vấn đề này thưa bà?
- Để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh, theo tôi, ngoài sự nỗ lực của từng người dân, đòi hỏi tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực, có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực, vai trò chủ thể của nhân dân khu vực nông thôn; còn vai trò của chính quyền các địa phương được xác định là định hướng, tổ chức.
Để có nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, về chương trình này chỉ có điểm đầu không có điểm kết thúc, trên cơ sở NTM phải tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho nên không thể chủ quan trước những thành tựu phát triển đã đạt được.
Đồng thời phải liên tục sáng tạo, đổi mới để hoàn thiện hơn nữa từng nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tập trung vận động nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, mở mang các ngành nghề, dịch vụ.
Theo bà, để sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa cùng các tổ chức thành viên cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ gì trong thời gian tới?
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã bước sang một giai đoạn mới với cách tiếp cận tiếp theo của quá trình xây dựng NTM văn minh, thịnh vượng nhằm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với yêu cầu nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững của kết quả xây dựng NTM. MTTQ các cấp sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Trong đó, vận động nguồn lực thông qua “Quỹ vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nông dân ở nông thôn. Tranh thủ và huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Đồng thời, MTTQ cũng tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong giám sát xây dựng NTM; tổ chức lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo nghiêm túc, khách quan, trung thực…
Trân trọng cảm ơn bà!