Xây dựng văn hóa học đường: Quá trình lâu dài và cần giải pháp đồng bộ

Thu Hương 23/08/2022 07:09

Chiều 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chỉ ra, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh (HS), sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất; văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”. Tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân của HS, sinh viên, tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên…

“Đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng yếu kém trên đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường” - ông Quát nêu vấn đề.

Từ phía các địa phương, đại diện giáo viên tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa học đường. Từ đó dẫn đến những hành vi lệch chuẩn với các biểu hiện như: Có một bộ phận không nhỏ HS ứng xử thiếu văn hóa như nói tục, chửi bậy, thô lỗ; kết bè, kết phái, gây gổ, đánh nhau... Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở HS nam mà ở cả HS nữ…

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Hà Nội đang triển khai dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho HS Thủ đô và thu được những kết quả rất khả quan. HS hứng thú, yêu thích các tiết học và có chuyển biến rõ nét trong cách giao tiếp, ứng xử đồng thời nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo phụ huynh HS. Hiện nay, ngành giáo dục đang xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và dạy cho các lớp mầm non 5 tuổi trên địa bàn thành phố.

“100% các đơn vị trường học (gần 1.600 trường học) của Thủ đô đã thành lập bộ phận tư vấn tâm lý với thành phần gồm đại diện ban giám hiệu, giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng chuyên trách, nhân viên y tế trường học, giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội, đại diện phụ huynh HS. Phòng tư vấn tâm lý bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định và hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề của HS, giáo viên, phụ huynh” - bà Hoa cho hay.

Với hơn 7.000 tân sinh viên mỗi năm đến từ mọi vùng miền trên tổ quốc, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kiến nghị, để giải quyết các thách thức trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho sinh viên, Bộ GDĐT, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn chế tài xử lý cập nhật thực tiễn nhằm hỗ trợ công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa ứng xử; giúp nhận diện, xử lý mang tính răn đe đối với các phát ngôn bình luận thiếu văn hóa của sinh viên trên không gian mạng; ban hành tài liệu hướng dẫn bộ quy tắc ứng xử, quy chế làm việc…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những giải pháp quyết liệt của Bộ GDĐT thời gian qua, đồng thời chỉ ra những vấn đề đặt ra từ thực tiễn khi công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt.

“Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh và chỉ ra 5 giải pháp để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó, nhấn mạnh việc gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GDĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng văn hóa học đường: Quá trình lâu dài và cần giải pháp đồng bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO