Xây thêm cầu nghìn tỷ vượt sông Hồng: Sao cho xứng tầm?

Thư Hoàng - Duy Anh 19/09/2021 07:19

Ngay sau khi Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, dư luận xã hội đã đặc biệt quan tâm. Quan tâm, không hẳn bởi vốn đầu tư cho cây cầu này dự kiến tới gần 9.000 tỷ đồng, mà bởi phương án kiến trúc “lộn xộn, sao chép”.

3 phương án của… 1 công ty

Với sự phát triển của Hà Nội, việc có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng sẽ góp phần cho sự giao thương thuận lợi hơn. Cầu Trần Hưng Đạo dự kiến nằm vào khoảng giữa hai cây cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía Nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía Bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía Tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (QL5A).

Theo thiết kế, tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng; khổ thông thuyền sông cấp II, tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75 m.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Cầu Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng... Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022 - 2025.

Điều dư luận đang hết sức quan tâm, đó là phương án thiết kế cây cầu.

Trước đó, ngày 27/8, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Trên cơ sở các quy định hiện hành, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã triển khai thực hiện và hoàn chỉnh các thủ tục liên quan tới công tác tuyển chọn phương án thiết kết kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Hội đồng tuyển chọn đã có kết quả đánh giá xếp hạng 3 phương án do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất. Cụ thể:

Phương án 1: Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại. Kiến trúc mang phong cách hiện đại, đường nét mạch lạc, khỏe khoắn, tạo hình mạnh mẽ hiên ngang. Thiết kế kiến trúc lấy cảm hứng từ đường nét võ khí và quân phục Việt cổ. Kết cấu sử dụng dầm Extrados sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, mặt cắt ngang cầu là 33 m với 6 làn xe. Kết cấu chính sử dụng 5 trụ tháp kết hợp với dây văng, trong đó trụ chính giữa thiết kế tạo điểm nhấn, 4 trụ hai bên đối xứng hai bên trụ chính.

Phương án 2: Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay. Kiến trúc tạo hình cánh hạc bay mang phong cách hiện đại, thiết kế 3 vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương. Sơ đồ nhịp 72+180+240+180+72, chiều dài cầu là 744 m, bề mặt cầu 33,5 m, có 6 làn xe chạy.

Phương án 3: Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển. Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ bắc khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe.

Kết quả lựa chọn đánh giá từ 15 thành viên hội đồng: Phương án 1 và phương án 2 chỉ có 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn, số điểm lần lượt là 1.140 điểm và 1.137 điểm. Phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm.

Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội cũng đề nghị TP Hà Nội xem xét, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kể kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo phương án 3, với phong cách Đông Dương.

Cần tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế theo luật

Sau khi hình ảnh các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo được công bố, dư luận hết sức ngỡ ngàng vì cả 3 phương án đều do TEDI đề xuất.

Trong khi đó, theo Luật Kiến trúc, đối với công trình quan trọng của thành phố thì phải thành lập các cuộc thi, quy định, bài bản. Một số kiến trúc sư (KTS) cho rằng, Hà Nội có cả quy chế đối với các công trình kiến trúc quan trọng ngoài hội đồng thi thì phải đưa ra cả Hội đồng Kiến trúc thành phố.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh, đây là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt, nên theo Luật Kiến trúc, cần phải thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia chứ không phải là cuộc “tuyển chọn” với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập.

Ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, tuy nhiên, theo ông Tùng, hình thức kiến trúc cầu là “rất không ổn”. KTS Phạm Thanh Tùng lý giải: Theo như thuyết minh của phương án, là hình thức mang phong cách kiến trúc “xứ Đông Dương” với các trụ tháp kiểu cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp. Tôi rất ngạc nhiên khi người ta lại lấy tên “xứ Đông Dương” cho kiến trúc một cây cầu hiện đại được xây dựng ở thế kỷ 21. Là một KTS, nghiên cứu về kiến trúc đô thị, tôi không thấy có cái gọi là phong cách kiến trúc “xứ Đông Dương” mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do KTS người Pháp Ernest Hebrard sáng lập…

Để tránh gây ra những “thảm họa kiến trúc” để lại cho thế hệ sau, KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm: Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của Thủ đô phải có tính hiện đại, đổi mới, phải là điểm nhấn kiến trúc đô thị của một thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo như Hà Nội. Cây cầu này cũng phải đại diện cho thời kỳ phát triển mới, cho sự sáng tạo, cho một thành phố đang vươn lên với tầm vóc Thăng Long - Hà Nội, văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. Vì thế, ông Tùng đề nghị Thành phố thi tuyển kiến trúc, sau đó triển lãm lấy ý kiến của người dân.

Nhiều chi tiết gây rối

Một điều đáng chú ý khác, không chỉ dư luận xã hội quan tâm, các KTS lên tiếng, mà bản thân một số thành viên của Hội đồng tuyển chọn cũng bày tỏ sự “chưa hài lòng”.

Trao đổi với báo chí, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một trong 15 thành viên Hội đồng tuyển chọn) cho rằng, “cả ba phương án tôi đều thấy chưa đạt yêu cầu và đã viết nhận xét đề nghị sửa lại”. Phương án 3 dù nhận được nhiều lựa chọn song theo ông Thông, có những chi tiết gây rối, là sự tập hợp, ghép nhặt của nhiều chi tiết cổ điển, phương Đông.

“Việc lặp lại đúng phong cách kiến trúc Đông Dương là chưa hợp lý. Cần có sự cách điệu theo hướng hiện đại, bởi xây cầu cho ngày hôm nay để phục vụ các phương tiện có tốc độ cao, do đó cần nét kiến trúc khỏe khoắn. Mỹ quan thời nay cũng khác thời xưa”, ông Thông nói.

Ông Thông nêu quan điểm: Nếu muốn khai thác kiến trúc Pháp thì phải áp dụng “tinh thần Pháp”, đó là kiến trúc đĩnh đạc, sang trọng, thông qua các đường nét có ngôn ngữ, chứ không phải lộn xộn, chắp vá, dập khuôn nhiều phong cách. Vận vào thời nay, phong cách kiến trúc cần trên tinh thần đơn giản, hiện đại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam) - một trong hai thành viên Hội đồng không chọn phương án 3 - cho rằng, kiến trúc tháp Đông Dương không ăn nhập với kết cấu cầu hiện đại, gắn với tên tuổi danh nhân Trần Hưng Đạo. Phương án này chọn dầm bê tông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng nhịp 156 m là không hợp lý; vì nhịp lớn nên chiều cao dầm rất lớn, nặng nề.

Được biết, việc xây dựng cây cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cây cầu này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô những năm tới. Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm một thiết kế xứng tầm với tên tuổi danh nhân Trần Hưng Đạo thể hiện sự ứng xử, tài trí của đời sau với đời xưa. Nó cũng cho thấy một mạch ngầm lịch sử, thể hiện sự năng động, hội nhập của Thủ đô có bề dày văn hiến.

Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, chỉ có 3 phương án nên rất khó chọn phương án tối ưu. Hai phương án 1 và 2 theo hướng hiện đại, có tính biểu tượng nhưng thiếu cá tính, lặp lại kiểu kiến trúc đã có của một số cây cầu trên thế giới. Phương án 3 theo hướng kết nối, hài hòa với phong cách kiến trúc phố cũ, không bị lẫn với những cây cầu đã có. Tuy nhiên, phương án này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về tỷ lệ giữa các khối, các chi tiết, đường cong của vòm giữa, chi tiết kết nối của trụ cầu, lan can...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây thêm cầu nghìn tỷ vượt sông Hồng: Sao cho xứng tầm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO