Xét nghiệm diện rộng đợt 2 nhằm tách triệt để F0

Lan Anh - Phạm Sỹ 19/08/2021 06:59

TP Hà Nội tiếp tục triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2 với mục đích trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 tiến tới thu hẹp, giảm ‘vùng đỏ’.

Xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, TP sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 để bóc tách F0 tại các khu vực “vùng đỏ”, khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều.

Các đối tượng nguy cơ cao sẽ tập trung 13 nhóm gồm shipper, người bán hàng tại chợ truyền thống, nhân viên bán hàng tại siêu thị, người bán hàng tạp hóa, nhân viên cây xăng, lái xe khu công nghệp, bảo vệ các khu công nghiệp, nhà máy, công nhân xây dựng hiện đang “mắc kẹt” tại Hà Nội, nhân viên bán thuốc, người làm tại các kho hàng bán lẻ, lực lượng hỗ trợ chống dịch, người trực chốt kiểm dịch và nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, bắt đầu từ ngày 17/8, Hà Nội tiến hành xét nghiệm thêm 1 triệu mẫu PCR, thời gian hoàn thành trong vòng 4 ngày. Mục đích xét nghiệm lần này là mở rộng ở tất cả các khu vực nguy cơ và đối tượng nguy cơ, đặc biệt là “vùng đỏ” và “vùng cam”.

Theo ông Việt, hiện nay có quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai là những vùng có nguy cơ lớn nhất. Đây là những quận có nhiều phường phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn phường. Ngoài ra còn có các huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín có những ổ dịch mang tính phức tạp.

Nhằm tận dụng tối đa “thời gian vàng” những ngày giãn cách xã hội, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cũng đã triển khai thực hiện xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách triệt để F0, kiểm soát khống chế không để dịch bệnh lây lan. Ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly, nhóm đỏ, khu vực có nguy cơ, nhóm da cam trong thời gian nhanh nhất để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Trong buổi sáng 18/8, trên địa bàn các phường Văn Chương (quận Đống Đa), Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng đã tiến hành triển khai lấy mẫu.

BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định: “Nếu có tiềm lực về mọi mặt, điều quan trọng chúng ta phải nắm được tình hình dịch và tránh trường hợp xấu xảy ra. Tuy chưa phải là cấp bách, nhưng nguy cơ nếu có thì chúng ta sẽ có những biện pháp để hạn chế. Trong trường hợp xảy ra thì ứng phó để giảm thiệt hại đó là một trong những mục tiêu chung”.

Theo ông Hà, với Hà Nội, việc thực hiện xét nghiệm diện rộng phải tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao, những người phải tiếp xúc với nhiều người như ở trong bệnh viện, các lực lượng tiếp xúc với dân, tiểu thương ở các chợ…

Linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch

Thực tế trong thời gian qua, khi phát hiện trường hợp bị F0 tại một số cơ sở y tế khi F0 khám tại đây, có những nơi đã ngay lập tức tiến hành cách ly, dừng tiếp đón bệnh nhân. Việc này phần nào tạo áp lực không nhỏ đối với các cơ sở y tế. Chính vì vậy, các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao sự chủ động trong việc đón tiếp, phân luồng bệnh nhân để mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo an toàn cho người dân khi đến thăm khám.

Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Hồng Hà cho biết: “Hiện nay, chúng ta phải chú ý nếu những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở… cần đến BV để thăm khám, xét nghiệm. Chúng ta phải coi BV, cơ sở y tế là nơi để người dân đến xét nghiệm chứ không phải khi BV, cơ sở y tế có một ca lại tiến hành cách ly y tế. Trong giai đoạn này phải khuyến khích các BV khi phát hiện các ca bệnh”.

BS Hà cũng cho rằng các tỉnh, thành phố cần lên kế hoạch thực hiện việc cách ly tại nhà đối với những F0 chưa triệu chứng, còn khỏe mạnh, không có bệnh nền và đã tiêm đủ vaccine. Tùy vào tình hình cụ thể của dịch bệnh để lựa chọn biện pháp cho phù hợp. Đây cũng là một biện pháp để giảm tải cho các cơ sở điều trị. Song song với công tác chống dịch, công tác chuẩn bị các cơ sở điều trị và đào tạo lực lượng y tế cần liên tục triển khai để có thể đối phó dịch bệnh trong mọi tình huống.

“Cùng với đó muốn trở lại trạng thái bình thường mới thì phải phụ thuộc vào miễn dịch, khi có vaccine sẽ phải tiêm ngay, phải triển khai việc tiêm vaccine thật tốt. Chúng ta phải tuyên truyền để người dân hiểu việc tiêm vaccine là con đường duy nhất để chúng ta có thể trở lại bình thường. Bất cứ một vaccine nào khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép đều được” BS Hà lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét nghiệm diện rộng đợt 2 nhằm tách triệt để F0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO