Xét tuyển đại học, cao đẳng: Tránh điểm cao mà vẫn trượt

Tùng Linh 01/08/2021 07:30

Theo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2021, thí sinh có 11 ngày từ 11h ngày 7/8 đến 17h ngày 17/8 để thực huyện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Khác với năm trước, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ một lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay các em được thay đổi tối đa 3 lần. Đây chính là cơ hội cho các em đưa ra lựa chọn sáng suốt để đạt mục tiêu của mình.

Điểm chuẩn, điểm sàn nhiều biến động

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1, Bộ GDĐT đã công bố phổ điểm. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH, CĐ đã lên phương án điểm chuẩn để lựa chọn thí sinh theo nhiều phương thức. Đây là những căn cứ quan trọng để thí sinh cân nhắc xác định nguyện vọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hỗ trợ các trường ĐH lựa chọn được thí sinh có chất lượng.

Nhận định về phổ điểm năm nay theo các tổ hợp xét tuyển của nhà trường, ông Chương cho rằng, tổ hợp A00 sẽ chỉ tăng ở nhóm thí sinh có điểm như năm ngoái trong khoảng từ 16-20. Còn từ 20 điểm trở lên không tăng nhiều so với năm 2020. Thậm chí, có những đoạn còn thấp hơn. Thí sinh có điểm trên 25-26 trở đi gần như bằng năm trước. Trong khi đó, tổ hợp A01 và D01 sẽ cao hơn so với năm trước từ 1-1.5 điểm, có những khoảng từ 25 - 28 điểm, thậm chí tốp đầu không tăng nhiều.

Từ đó, ông Chương dự báo điểm chuẩn của trường sẽ chia làm 3 nhóm: Phổ điểm dưới 20 điểm có thể tăng so với năm 2020 tư 1-1.5 điểm; từ 20-23 điểm chỉ tăng gần 1 điểm; tốp đầu không tăng nhiều so với năm trước. Trường dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) năm nay sẽ chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 ở tốp trung bình, như năm ngoái. Nhóm 2, tốp cao sẽ nhích lên khoảng từ 0.5-1 điểm.

Còn tại Học viện Tài chính, TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện cho biết, trường sẽ công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GDĐT tổ chức thi tốt nghiệp và công bố kết quả thi đợt 2. Về ngưỡng đảm bảo chất lượng, nếu điều chỉnh sẽ ít nhất bằng mức năm ngoái là 20 điểm với chương trình chuẩn và 24 điểm 3 môn với chương trình chất lượng cao.

Ông Tùng nhận định, năm nay phổ điểm tổ hợp A00 thấp hơn A01 vì có sự chênh lệch điểm tiếng Anh. Học viện Tài chính nhiều năm nay, 2 ngành Tài chính - Ngân hàng và Kế toán đều xét khối D có điểm chuẩn riêng, các tổ hợp A00, A01, D07 xét chung. Khả năng khối D năm nay điểm cao hơn so khối A và A01 nhưng thí sinh yên tâm vì Học viện sẽ có sự phân loại điểm chuẩn.

Trong tuần qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã có thông báo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH chính quy năm 2021 là 20 điểm; mức điểm này bao gồm điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1. Đối với các ngành có tổ hợp môn tiếng Anh tính hệ số 2, các môn khác tính hệ số 1, quy về thang điểm 30.

Trước đó, Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hệ ĐH chính quy cho 2 phương thức 3 và phương thức 4 (dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT) năm 2021. Theo đó, điểm sàn nhận hồ sơ dao động từ 17-18 điểm (2 môn) với phương thức 3 và 20 - 23,8 với phương thức 4…

Cần có chiến lược sắp xếp nguyện vọng

Theo TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng nên trong thời gian thay đổi nguyện vọng, để tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành yêu thích, thí sinh hãy dũng cảm chọn ngành mình yêu thích nhất.

Cho dù ngành học có đang ở ngưỡng đánh giá điểm tương đối cao, các em cứ mạnh dạn đăng ký. Nên xếp các nhóm nguyện vọng căn cứ trên ngành nghề yêu thích trước, sau đó đến trường dự kiến theo đuổi ngành đó. Chia thành các nhóm điểm cao, trung bình, thấp khác nhau, luôn để 1 nguyện vọng là bệ đỡ giảm tỷ lệ rủi ro tối đa cho mình để có nơi mình theo học ít nhất trong năm tới.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thì cho rằng quy định xét tuyển của các trường là rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành; một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển; vì vậy, rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, Quy chế chuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách); vì vậy thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.

Để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất (nguyện vọng mong muốn) và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất), tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường, ngành các năm trước đây để chọn các ngành trường phù hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT của mình. Các em hạn chế chọn tham khảo các điểm trúng tuyển trước đây cao hơn, để đảm bảo an toàn thì nên ưu tiên chọn mức bằng và có điểm thấp hơn điểm của mình.

Ngoài ra thí sinh phải xem xét kỹ các điều kiện xét tuyển của các trường, như điều kiện sơ tuyển, điều kiện về ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu,... để đảm đủ điều kiện xét tuyển.

“Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển ĐH nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng. Thí sinh không nên chủ quan với điểm mình đạt được mà đổ xô tập trung vào những ngành cạnh tranh cao của các trường. Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét, không vì thấy điểm mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước mà đăng ký (và không có các lựa chọn an toàn khác). Vì điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt một số ít thí sinh”- bà Thủy nói.

Bà Thủy cũng khuyên các thí sinh rằng: Nhiều thí sinh hiện nay đã xét tuyển ở các phương thức khác nhưng có em vẫn đang lưỡng lự nên xác nhận nhập học hay chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các em dễ mất cơ hội trúng tuyển vì điểm trúng tuyển năm nay có thể sẽ tăng lên như đã phân tích.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), điểm xét tuyển đầu vào năm nay sẽ nhích lên so với 2020. Một số khối ngành sẽ tăng điểm chuẩn cao hơn so với các khối còn lại do số lượng bài thi môn thành phần có điểm cao hơn đáng kể.

Ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, thì việc các trường ĐH đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học, cao đẳng: Tránh điểm cao mà vẫn trượt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO