Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Kết luận giám định vi phạm tố tụng?

Tinh Anh 18/09/2017 07:50

Ngày 16/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần tranh luận.

Bảo vệ các thân chủ của mình, Luật sư Hoàng Huy Được cho rằng, bản kết luận của Hội đồng giám định NHNN đã vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp, nhiều nội dung không có cơ sở giám định vẫn giám định, thiếu khách quan...

Bị cáo Hà Văn Thắm trong một phiên xét xử (Ảnh: PLO).

Không có thiệt hại?

Luật sư Hoàng Huy Được nêu quan điểm cho rằng, việc cơ quan công tố cáo buộc hàng loạt bị cáo tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa khách quan, thiếu cơ sở.

Cụ thể, theo Luật sư Được, số tiền 1.576 tỷ đồng mà cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu ra để truy tố các bị cáo tội cố ý làm trái phải xác định rõ liệu đó có phải là hậu quả của vụ án? Cũng như một số luật sư khác, ông Được cho rằng xuất ra một khoản tiền để làm ăn có lãi thì không thể gọi là thiệt hại được.

Để chứng minh cho luận điểm đó, Luật sư Được còn dẫn lời bị cáo Nguyễn Thị Nga- cựu Kế toán trưởng OceanBank khai tại Tòa: “Tôi xin mượn lời của bị cáo Nguyễn Thị Nga, đọc báo cáo tài chính của OceanBank thì ai cũng biết là chi lãi ngoài.

Hễ ai đọc kết luận giám định thì biết là không có thiệt hại”. Tiếp đó vị luật sư này còn đưa ra bằng chứng về việc trong bản kết luận giám định của Hội đồng giám định NHNN không hề đề cập số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại.

“Kết luận giám định số 4605 vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp. Nhiều nội dung không đủ cơ sở giám định nhưng vẫn được giám định, trong đó còn đề nghị CQĐT làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ án thì còn khách quan, vô tư hay không?”- Luật sư Được đặt câu hỏi.

Có không ít luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này nghi ngờ về con số thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng mà cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu.

Theo các luật sư, Hội đồng giám định chưa làm rõ được hành vi chi lãi ngoài gây thiệt hại bao nhiêu tiền cho OceanBank.

Về nguyên tắc, việc giám định thiệt hại là chức năng của hội đồng này, song trong bản kết luận lại không nói 1.576 tỷ đồng là thiệt hại, mà con số này lại là của CQĐT là không khách quan.

Nhiều luật sư đồng thuận cho rằng, trong vụ án cố ý làm trái này, việc xác định thiệt hại rất quan trọng, bởi nó có liên quan đến vấn đề cáo buộc tội danh, bởi nếu không có thiệt hại thì lấy căn cứ đâu để kết tội các bị cáo?

Chi lãi ngoài chỉ xử lý hành chính?

Tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo của mình, Luật sư Được đặt vấn đề: Hai đời Thống đốc NHNN trước đây đều ký văn bản quy định về việc cấm huy động vốn vượt trần lãi suất do NHNN quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính.

Mặt khác, trên thực tế, vào thời điểm mà OceanBank thực hiện việc chi lãi ngoài hợp đồng thì hầu hết các tổ chức tín dụng đều cạnh tranh nhau huy động vốn bằng lãi ngoài.

Song, không có tổ chức tín dụng nào bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính. Vậy thì vì sao OceanBank lại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Còn Luật sư Bùi Phương Lan (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng – cựu PGĐ Khối nguồn vốn, em họ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) lại khẳng định thân chủ của mình chỉ sau khi bị cơ quan công an khởi tố và “giáo dục” mới biết mình đã vi phạm Bộ luật Hình sự với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan công tố nhận định, bị cáo Thắng đã nhận hơn 226 tỷ đồng của OceanBank đưa cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài. Song, Luật sư Lan cho rằng, bản thân bị cáo ở ngân hàng chức vụ nhỏ nên không biết chuyện chi lãi ngoài giống như các nhân viên khác của ngân hàng.

“Hơn nữa, vào thời điểm đó, nếu Thắng có biết đó là tiền chi lãi ngoài thì cũng không thể nhận thức được hành vi đó sẽ bị khởi tố hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính”- Luật sư Lan lập luận.

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang- cựu giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Luật sư Nguyễn Đức Toàn cho rằng, luận tội của vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa chưa phân tích, đánh giá được vai trò của bị cáo trong vụ án này.

Thời điểm các bị cáo tại OceanBank thực hiện việc chi lãi ngoài hợp đồng, thì việc này xảy ra rất phổ biến ở các tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, việc vi phạm quy định Thông tư 02 đã được xử lý hành chính với một số ngân hàng, như ACB chẳng hạn.

“Hiện nay OceanBank lại bị xử lý hình sự khi chính sách pháp luật thay đổi (Thông tư 02 không còn được áp dụng), vậy thì có đảm bảo tính công bằng của pháp luật hay không?” - luật sư đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm với các đồng nghiệp, Luật sư Nguyễn Thùy Dương cho rằng, các bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh chỉ làm theo nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng lao động.

Họ chỉ là người làm thuê nên phải tuân theo chỉ đạo của người sử dụng lao động.

“Hơn nữa, họ chi lãi ngoài cũng là để đảm bảo lợi ích cho OceanBank. Mục đích chi lãi ngoài để tăng cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, không gây thiệt hại cho OceanBank. Đã có nhiều đợt kiểm tra nội bộ nhưng không có cảnh báo. Họ nghĩ rằng nếu có sai cũng chỉ là xử phạt hành chính”- Luật sư Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế tại OceanBank: Kết luận giám định vi phạm tố tụng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO