Xin nghỉ vì... hết ‘ghế’?

Lê Anh Đức 02/07/2020 16:09

Với những cán bộ không có vi phạm, nhưng không đủ tuổi tái cử cấp ủy, họ cũng sẽ không xin nghỉ trước tuổi nếu vẫn còn “ghế” tương đương…

Ảnh minh họa.

Dư luận xã hội những ngày qua hết sức quan tâm tới việc 243 cán bộ ở tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi, do không còn đủ tuổi để tái cử cấp ủy.

Nhiều người thì coi đây là sự kiện đáng mừng không chỉ của riêng Nghệ An mà còn là niềm vui của cả nước, bởi các cán bộ đã không còn tham quyền cố vị, dám “hy sinh” quyền lợi. Song, luồng ý kiến trái chiều thì cho rằng, không dễ để các cán bộ buông bỏ quyền lực. Sở dĩ các cán bộ xin nghỉ trước tuổi vì sau khi sắp xếp, chẳng còn chiếc “ghế” nào trống để ngồi nên đành nghỉ thôi.

Có tới 243 cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi đúng là một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, chưa từng có tiền lệ xưa nay. Song, theo quan điểm của Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quốc Khánh thì việc này cũng là bình thường.

Ông Khánh khẳng định năm nào cũng có hiện tượng cán bộ xin nghỉ trước tuổi, chỉ có điều năm nay con số có hơi nhiều hơn mà thôi. Giải thích của lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An không làm dư luận xã hội thỏa mãn, bởi lâu nay việc cán bộ tự từ bỏ quyền lực hiếm lắm.

Còn nhớ, cuối năm 2018, khi Bộ Công an thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, giải thể 6 tổng cục, sáp nhập một số đơn vị cấp cục trùng chức năng nhiệm vụ... đã có hàng loạt sĩ quan hàm Tổng cục trưởng, Tổng cục phó xin nghỉ trước tuổi.

Điều đơn giản, dễ hiểu mà ai cũng nhìn thấy ngay, đó là nếu các cán bộ cấp Tổng cục trưởng, Tổng cục phó không nghỉ, khi sắp xếp lại bộ máy sẽ phải “lùi” xuống cấp Cục trưởng, Cục phó, thậm chí còn không được làm Cục trưởng, Cục phó thì sẽ rất khó coi.

Trở lại câu chuyện 243 cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi. Sở dĩ nói là xưa nay chưa có tiền lệ, bởi số lượng cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi đông gấp hàng chục lần so với số cán bộ của Bộ Công an xin nghỉ trước tuổi cuối năm 2018.

Song, có một điều giống nhau giữa hai trường hợp này, đó là số cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ cũng không còn đủ tuổi để tái cử cấp ủy, đồng nghĩa với việc khó có thể giữ nguyên được chức vụ hiện đang nắm giữ. Không nghỉ đương nhiên phải xuống chức, điều đó thì đâu có ai muốn.

Thông thường, những cán bộ đang giữ vị trí chủ chốt, nếu không đủ tuổi tái cử cấp ủy thì sẽ được luân chuyển công tác tới những vị trí tương đương để chờ... nghỉ hưu.

Chẳng hạn như ví dụ của Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, một cán bộ đang là Bí thư, Chủ tịch huyện, nếu không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ mới sẽ được luân chuyển lên làm Phó giám đốc một sở, ngành nào đó của tỉnh để chờ đến tuổi nghỉ hưu. Song, nay số dôi dư lại lên tới hơn 240 người thì làm gì còn “ghế” ở các sở, ngành để mà bố trí.

Mà không còn “ghế” bố trí đồng nghĩa với việc automatic là số cán bộ này sẽ tự nhiên “bị giáng chức”, bởi không thể giữ vị trí chủ chốt nếu không ở trong cấp ủy nhiệm kỳ mới.

Đang là Bí thư, Chủ tịch huyện bỗng dưng phải trở lại là chuyên viên thường thì làm sao có thể chịu đựng nổi cú sốc đó? Vậy thì giải pháp tối ưu lúc này có gì khác ngoài nộp đơn xin nghỉ trước tuổi, vừa được tiếng là không tham quyền cố vị, vừa đỡ “mất uy”.

Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, hầu hết cán bộ xin nghỉ trước tuổi đợt này đều đã “thông” và tự nguyện xin nghỉ. Tự nguyện xin nghỉ thì đúng rồi, còn “thông” chưa thì lại là vấn đề cần phải bàn.

Không thể nói cả 243 cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi đợt này đều vui vẻ xin nghỉ mà trong lòng không hề vướng bận điều gì. Để có một vị trí nhất định, người ta đã phải nỗ lực phấn đấu, cống hiến, vất vả một đời, chưa kể với một số người còn phải đi đường vòng, đi cửa sau... thì có lẽ nào từ bỏ dễ vậy?!

Song, trong trường hợp cụ thể này thì dù không muốn xin nghỉ trước tuổi, dù có cố gắng “trụ” lại e rằng cũng khó, bởi nếu ở lại thì biết sắp xếp vào đâu cho hết số nhân sự đó.

Từ câu chuyện này lại nhớ tới việc mới đây cả Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đều xin thôi chức và ngày 1/7 vừa qua ông Căng đã được toại nguyện. Không phải bỗng dưng mà ông Chữ, ông Căng lại xin thôi chức, mà bởi vì các ông đã bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo Đảng. Vậy thì thà xin nghỉ để giữ chút thể diện cuối cùng còn hơn là đợi bị mất chức.

Nói như vậy để thấy, từ việc 243 cán bộ tỉnh Nghệ An xin nghỉ trước tuổi đã chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay. Vẫn còn hiếm lắm những cán bộ dám dũng cảm xin từ chức, thôi chức khi mắc sai lầm, khuyết điểm, không cần đợi tổ chức Đảng, lãnh đạo cấp trên kỷ luật.

Nhiều người ngay cả khi đã bị kỷ luật về mặt Đảng vẫn cố “bám trụ” đến cùng, chỉ đến khi bị cách chức, hoặc miễn nhiệm, lúc đó họ mới chịu rời nhiệm sở. Văn hóa từ chức xem ra vẫn còn hết sức xa lạ với những cán bộ hiện nay.

Điều đó cũng hết sức dễ hiểu. Làm sao họ có thể xin từ chức, xin thôi chức khi mà để có được vị trí đó, họ đã phải khổ công luồn lọt bằng việc nịnh bợ cấp trên, thậm chí bằng tiền và nhân phẩm? Chỉ đến khi không còn có thể cứu vãn được nữa, mọi cố gắng trụ lại cũng chỉ là vô vọng, lúc đó họ mới chịu buông tay.

Với những cán bộ không vi phạm, nhưng không đủ tuổi tái cử cấp ủy, họ cũng sẽ không xin nghỉ trước tuổi nếu vẫn còn “ghế” tương đương để sắp xếp chờ đến tuổi nghỉ hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xin nghỉ vì... hết ‘ghế’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO