Xóa bỏ ‘xin – cho’

Tinh Anh 22/05/2021 10:18

Làm việc với các bộ, ngành về kết quả đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch triển khai đầu tư công trung hạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Cần khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những mặt đã làm được, đồng thời cũng chỉ ra những mặt hạn chế cần sớm khắc phục. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tới đây các bộ, ngành cần có giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công thời gian qua.

Có một thực trạng là người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương không dám chịu trách nhiệm, sợ sai nên không mạnh dạn, quyết liệt trong việc triển khai đầu tư công. Vì thế, có những thời điểm, ở không ít đơn vị, địa phương không thể giải ngân vốn đầu tư công, dù nguồn tiền đã sẵn sàng. Đó là lý do người ta nói vui rằng có tiền mà không thể tiêu.

Thực ra cũng khó trách được lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương thiếu năng động, sáng tạo trong việc triển khai đầu tư công. Hiện, hành lang pháp lý còn khá nhiều rào cản, một số quy định còn mang tính “trói buộc”, nếu vận dụng không cẩn thận sẽ trở thành vi phạm pháp luật, dẫn đến thân bại danh liệt, mất hết tiền đồ trước mắt.

Bởi thế, nhiều cán bộ chấp nhận bị phê bình còn hơn “cầm đèn chạy trước ô tô” rồi gặp phải rắc rối pháp lý. Đó là lý do có không ít đơn vị “xin” được “trả lại” ngân sách cho Trung ương chứ nhất quyết không chịu giải ngân đầu tư công. Thực trạng trên đã làm cho nền kinh tế bị trì trệ, không tạo được động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác.

Hiểu rõ điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan cần chủ động tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền cải cách thể chế, bổ sung những quy định cần thiết để có thể khuyến khích lãnh đạo các đơn vị dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có vậy mới có thể thúc đẩy việc triển khai đầu tư công có hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu trong đầu tư công trung hạn 2021-2025, cần có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương mới có thể phát huy tinh thần chủ động, không trông chờ ỷ lại, không quá thận trọng.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội...

Song, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở rằng, đi đôi với tạo điều kiện thông thoáng cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đầu tư công, cũng cần phải thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, tránh việc lạm quyền, vi phạm pháp luật.

Để đầu tư công có hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT cần rà soát cắt giảm hơn nữa những hạng mục đầu tư công chưa cần thiết, không hiệu quả, để tập trung nguồn lực vào những dự án thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt. Đồng thời cũng cần chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người dân.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, trong đầu tư công giai đoạn 2021-2025, cần xóa bỏ cho được cơ chế “xin – cho”, kìm hãm sự phát triển. Nếu không được tạo cơ chế thông thoáng, không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mỗi dự án mất rất nhiều thời gian “xin ý kiến” thì việc chậm tiến độ là khó tránh khỏi.

Đó là còn chưa kể đến việc phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực nếu vẫn phải đi “xin” dự án. Quan điểm của Chính phủ là dự án nào quan trọng, có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, thì cần ưu tiên đầu tư phát triển. Ở một số dự án, vốn nhà nước sẽ là “vốn mồi” để thúc đẩy, lôi kéo các hình thức đầu tư khác.

Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tin rằng tới đây cơ chế “xin - cho” sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ, không chỉ trong đầu tư công mà còn ở tất cả các hình thức đầu tư khác. Khi đó, việc đầu tư sẽ tạo hiệu quả rõ rệt, sẽ không còn tình trạng thất thoát vốn, chậm tiến độ... gây lãng phí nguồn lực, dù là ngân sách nhà nước hay tư nhân.

Hy vọng, tới đây các bộ, ngành, địa phương sẽ rốt ráo thực hiện những chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chứ không đánh trống bỏ dùi, trên nóng dưới lạnh. Có vậy mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế vững chắc như kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ ‘xin – cho’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO