Xóa giấy phép con: Bộ trưởng Công Thương ra 'tối hậu thư' với cấp dưới

Theo VGP 06/09/2017 15:28

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc, thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. - Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp chiều 5/9 về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị gấp rút rà soát các điều kiện kinh doanh, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tiến hành phân tích kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đồng thời đề ra kế hoạch hành động cho toàn ngành Công Thương trong thời gian tới.

Theo đánh giá của VCCI và CIEM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xoá bỏ thủ tục, các điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, là một bộ đa ngành, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều. Hiện, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh và như vậy sẽ là cản trở trong viêc huy động phát triển nguồn lực, sản xuất. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuần Anh quán triệt rằng kết quả khảo sát của VCCI cũng như CIEM có cơ sở và xuất phát từ thực tế, do vậy, các đơn vị không nên bàn chuyện đúng sai và phản biện lại các số liệu nghiên cứu. Các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc, thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, trước mắt, các đơn vị cần phải rà soát ngay các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả như thế nào. Từ đánh giá cụ thể kết quả đã làm được, các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lĩnh vực mình quản lý để tiếp tục gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cái gì có thể tháo gỡ, cắt bỏ được ngay thì cần cắt bỏ ngay. Cái gì chưa cắt bỏ ngay được thì nghiên cứu giải pháp phù hợp.

“Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc cải cách hành chính cần dựa trên tinh thần cầu thị, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo kế hoạch cải cách hành chính báo cáo Bộ trưởng xem xét và cùng với Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát và có các quyết định cắt giảm cụ thể. Và điểm khác biệt lần này, đích thân Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm giám sát công tác cải cách hành chính.

Như vậy, từ nay đến ngày 14/9, các đơn vị sẽ còn khoảng một tuần để tiến hành rà soát các thủ tục điều kiện kinh doanh, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trên cơ sở chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ nặng về tiền kiểm để chuyển dần sang hậu kiểm. Các điều kiện gia nhập thị trường phải theo các cam kết quốc tế dành cho doanh nghiệp FDI.

Các điều kiện kinh doanh cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Đồng thời, bảo đảm công tác quản lý nhà nước khi chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tính khả thi, điều kiện nguồn lực, khả năng phân cấp...).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa giấy phép con: Bộ trưởng Công Thương ra 'tối hậu thư' với cấp dưới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO