Xóa nghèo cho đồng bào vùng cao

Hương Thu 15/06/2021 10:30

Từ một loài cây dân dã trong rừng, giờ đây, cây măng không những trở thành đặc sản mà còn giúp nhiều nông dân ở Lào Cai thoát nghèo và làm giàu.

Không còn bán cây măng tươi do hái lượm tự phát, giờ đây măng của Lào Cai đã hình thành vùng hàng hóa.

Người dân xã Dần Thàng lên rừng thu hoạch măng sặt.

Cây xóa nghèo

Nói đến măng ở Lào Cai không thể không nhắc đến huyện Văn Bàn - thủ phủ của các loại măng đặc sản vùng Tây Bắc. Mùa nào ở Văn Bàn cũng có măng. Mùa măng vầu kéo dài từ tháng 10 âm năm trước đến tháng 3 năm sau. Mùa măng sặt bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 5. Hết mùa măng sặt là đến mùa măng bói, măng nứa kéo dài đến hết tháng 9.

Sau những cơn mưa rào đầu hè, 2 đồi măng bói của gia đình chị Lù Thị Mai, thôn 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn đã mọc lên rất nhanh và hiện đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Người phụ nữ dân tộc Tày cũng không nhớ rõ từ năm nào gia đình mình đã trồng măng bói, chỉ biết rằng từ thời ông bà của chị đã có loại cây đặc sản này.

Chị bảo, với người dân Văn Bàn, măng chính là lộc rừng của dãy Hoàng Liên Sơn. Rất nhiều năm qua, măng bói đã mang lại cho gia đình chị và những hộ khác nguồn thu khá ổn định, mỗi năm từ 30-40 triệu đồng mà gần như không phải mất chi phí đầu tư. Chị Lù Thị Mai cho biết thêm: “Từ thời ông bà trồng cho đến đời con cháu cứ giữ như vậy thôi, bây giờ còn 2 đồi, không cần trồng thêm nó cứ mọc lan ra, măng không bao giờ sợ không bán được vì hái đến đâu là hết đến đó”.

Còn tại xã Nậm Xé, 1 trong 3 địa phương có quy mô trồng măng sặt lớn nhất của huyện Văn Bàn, vụ măng sặt vừa qua, từ 30 ha, bà con đã mở rộng thêm diện tích trồng ở một số khu vực có điều kiện. Theo tính toán của các hộ dân, với giá bán dao động từ đầu vụ là từ 20.000-35.000 đồng/kg tùy loại, 1 ha măng sặt mang về cho họ nguồn thu từ 30-40 triệu đồng/năm, tùy vào điều kiện thời tiết.

Mùa măng sặt năm 2021 ở Nậm Xé, hộ ít cũng thu cả chục triệu đồng, có hộ trồng nhiều thu nhập tới 50 triệu đồng. Trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Nậm Xé xác định đây là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo cho bà con và đang xúc tiến các điều kiện cần thiết để được công nhận là sản phẩm đặc hữu địa phương.

Từ một thôn vùng cao có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì xã, đến nay, thôn Ú Sì Sung, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai chỉ còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Không có lợi thế về thổ nhưỡng như ở Văn Bàn, thế nhưng nhờ mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào trồng thử nghiệm trên các diện tích đất đồi dốc mà măng sặt vài năm trở lại đây đã thực sự trở thành cây xóa nghèo của các thôn vùng cao Tả Phời, thành phố Lào Cai.

Với những gốc măng sặt đầu tiên được đưa vào trồng cách đây vài năm, đến nay trên địa bàn thôn Ú Sì Sung đã có trên 2 ha cây măng sặt cho thu hoạch, giúp các hộ dân có thêm nguồn thu. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ú Sì Sung Chảo Mùi Pham là người tiên phong đưa loại cây này vào trồng và nhân rộng tại địa phương.

Chị Pham cho biết, trồng măng sặt không mất nhiều công chăm sóc, cũng không tốn chi phí phân bón, mỗi năm chỉ cần phát cỏ một lần, giá thành sản phẩm lại khá cao. Tôi cũng đang chia sẻ kinh nghiệm và cây giống để chị em trong thôn cùng phát triển giống cây trồng này.

Nhận thấy những tín hiệu vui bước đầu của việc phát triển cây măng sặt ở thôn Ú Sì Sung, bà con ở một số thôn vùng cao khác trên địa bàn xã Tả Phời, thành phố Lào Cai cũng đang ấp ủ dự định đưa cây măng sặt vào trồng trên địa bàn để tạo thêm nguồn thu nhập.

Ông Phạm Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phời cho biết, để việc phát triển cây măng sặt ở địa phương thật sự hiệu quả và bền vững, xã Tả Phời đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án phát triển cây măng sặt với diện tích khoảng 10 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn vùng cao, diện tích đất đồi lớn. Xã Tả Phời cũng đã lấy ý kiến nhân dân, thực hiện khảo sát khu vực trồng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân có nhu cầu và tính toán cả phương án đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Cây măng sặt.

Cây trồng chủ lực

Trên thực tế, các sản phẩm măng trên địa bàn huyện Văn Bàn những năm qua cung không đủ cầu và đều được thu mua bao tiêu sản phẩm. Tính đến hết tháng 4/2021, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thủy đã thu mua được 70 tấn măng sặt đã bóc vỏ từ nông dân thuộc 7 xã trên địa bàn huyện Văn Bàn. Với giá thu mua 27.000 đồng/kg, nông dân được gần 1,9 tỷ đồng từ tiền bán măng sặt. Dự kiến năm 2021, hợp tác xã thu mua 170 tấn măng bóc vỏ từ nông dân, mang lại nguồn thu gần 4,8 tỷ đồng cho nông dân.

Còn tại các vùng măng ở các xã Dương Quỳ, Hòa Mạc, Dần Thàng, Thẩm Dương... các hộ đã liên kết với nhau và mời cán bộ khuyến nông đến tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, tự xây dựng lịch thu hái, liên kết với các tư thương thống nhất giá cả, hợp đồng thu mua, nhờ vậy chất lượng, giá măng được nâng lên.

Đặc biệt, không chỉ thu mua măng tươi, để chế biến sâu nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2021, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thủy áp dụng mô hình nhà sấy công nghệ năng lượng mặt trời trong khuôn khổ dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thủy nhằm cải thiện vị thế kinh tế cho phụ nữ huyện Văn Bàn” do Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (gọi tắt là Dự án GREAT) hỗ trợ. Với công nghệ này, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thủy đã giảm được 30% chi phí than, củi và điện cho khâu luộc măng, rút ngắn thời gian luộc măng được 5 giờ, nâng cao công suất chế biến; chất lượng măng cũng được nâng cao rõ rệt.

Hợp tác xã hiện đang tiến hành nâng cấp quy trình chế biến măng theo tiêu chuẩn hữu cơ, sẽ sớm cho ra sản phẩm măng đóng gói, chế biến sâu và đưa vào các kênh tiêu thụ cao cấp, tạo đầu ra ổn định cho măng sặt Văn Bàn. Với nhà sấy năng lượng mặt trời, hợp tác xã cũng sẽ sớm tiến hành sản xuất măng nứa phơi khô và đăng ký tiêu chuẩn OCOP năm 2021.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã ký quyết định phê duyệt “Đề án phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025”; trong đó, cây măng được Lào Cai xác định là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển phát triển chế biến gắn với thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... trong giai đoạn tới.

Lào Cai đặt mục tiêu đến 2025, phát triển ổn định vùng nguyên liệu măng với trên 33.000 ha, bao gồm: trên 32.000 ha rừng tự nhiên tre, vầu, nứa và rừng hỗn giao, khoảng 700 ha rừng trồng tập trung măng bói, măng sặt. Sản phẩm chủ lực từ măng bói, măng sặt trồng tập trung tại huyện Văn Bàn và măng khai thác tự nhiên theo phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt dự kiến đạt 15.000 tấn/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa nghèo cho đồng bào vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO