Xóa tư duy 'co mình ốc'

Việt Thắng 28/07/2016 09:05

Có một điểm chung giữa làm luật và nghiên cứu khoa học đó là kết quả nghiên cứu của cả hai lĩnh vực này đều được áp dụng vào cuộc sống. Nhưng cái khác là ở chỗ đề tài khoa học có thể chưa áp dụng ngay trong thực tiễn, thì luật không thể “nằm đợi thời cuộc” trong ngăn kéo.

Xóa tư duy 'co mình ốc'

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.

Quốc hội cần có những đánh giá nghiêm túc hơn, kiên quyết không đưa vào thẩm tra các dự án chậm tiến độ. Còn Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm ngay từ khâu xây dựng chương trình, chỉ trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh chương trình, và cần coi đây là tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành- ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị.

Năm ngoái, khi trả lời chất vấn về sản phẩm của đề tài khoa học cất trong ngăn kéo gây lãng phí tiền của, sức lực, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã trải lòng: “Khoa học phải đi trước thời đại, phải có cái ứng dụng được ngay, nhưng có cái phải chờ xã hội phát triển thì mới ứng dụng được”. Có thể câu trả lời đó không làm nguôi ngoai đi sức nóng của vấn đề, và cũng không làm bớt đi bức xúc của một số vị ĐBQH nhưng đó là một thực tế.

Nhìn sang khía cạnh xây dựng luật mới thấy: Luật làm ra không những phải đáp ứng các vấn đề thực tế đang đặt ra mà còn phải đi trước một bước, có tính dự báo lường hóa các tình huống phát sinh trong thực tế để có các quy phạm điều chỉnh quan hệ xã hội.

“Tôi thực sự thất vọng”- lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói khi Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật tại Quốc hội diễn ra vào ngày 26/7. Ông Lộc thất vọng khi trong chương trình không có nội dung xem xét thông qua luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị trong khi thời điểm hội nhập đến gần trong từng ngón tay. Ông sốt ruột bởi việc xem xét thông qua một dự luật quan trọng như vậy đang là yêu cầu rất cấp bách hiện nay khi vẫn đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Luật Đầu tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ ngành đẻ ra giấy phép. Và chỉ thống kê sơ sơ đã có ít nhất 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng.

“So với ASEAN và quốc tế thì một số quy định của pháp luật ở ta chẳng giống ai. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh”- ông Lộc nói cùng những nhắn nhủ, nếu chỉ sửa đổi một, hai điều cần thiết thôi thì cũng nên làm để có thể giải tỏa ngay được những ách tắc trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mà vì thế theo ông Lộc, rất cần những tư duy mới, linh hoạt trong chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật. Chỉ cần chậm lại một bước hay những sai sót có thể mất đi cơ hội và niềm tin của người dân, cản trở tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm tới nửa năm kế hoạch. Đấy thực sự là một sự lãng phí lớn trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội.

Cách đây đúng 5 năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã xòe bàn tay 5 ngón như một cái hẹn 5 năm (một nhiệm kỳ) đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi ông đặt ra câu hỏi: “Bao giờ nông nghiệp của ta đi lên? Cuộc sống của nông dân được cải thiện?”. Câu hỏi ấy giờ đây đã được trả lời, và đến nay “bà đỡ” của nền kinh tế với gần 70% dân số sống bằng nông nghiệp vẫn đang khó khăn. Và điều đó dường nào được “góp phần” bởi các quy định pháp luật khi nông dân vẫn khó trong tiếp cận vốn vay, mở rộng sản xuất vì những quy định thủ tục rườm rà, ngư dân “nằm chờ” giải ngân để đóng tàu vươn khơi làm giàu từ biển bởi những quy định đang trở thành những lực cản.

Lực cản mà ông Lộc lo lắng là tư duy “co mình ốc” đang kéo Việt Nam dần tụt lùi so với các nước trong khu vực. Những trăn trở của vị Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm đã được đặt ra. Nhưng có một điều: Khó có thể quy được trách nhiệm cá nhân đang kéo lùi sự phát triển, hay những sai sót cá nhân trong làm luật khi những quyết định lại thuộc về tập thể. “Thảm họa lập pháp”- lời ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đưa ra trước việc Bộ luật Hình sự sắp đến thời điểm áp dụng đã phải tạm dừng khi sai sót đến hơn 90 điều. Nhưng khó chấp nhận hơn khi ông Minh gay gắt trước việc “có một văn bản báo cáo những sai sót của Bộ luật này hiện nay chưa đủ căn cứ để quy trách nhiệm về ai”.

Luật pháp là thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng thông qua các chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Khó có thể nhận định hay đưa ra các đánh giá tại sao ở các nước phát triển thời gian thay đổi luật, sửa đổi bổ sung luật là ít. Còn Việt Nam “sự sống” của luật lại ngắn. Bởi suy cho cùng, luật phải đáp ứng thực tế nhu cầu của cuộc sống đặt ra, mà cuộc sống thì luôn biến động. Nhưng khó có thể chấp nhận những sai sót khi luật không đi vào cuộc sống, chưa được áp dụng đã phải tạm lùi, cản trở sự phát triển mà không quy được trách nhiệm. Cũng chính mà vì thế, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị: Quốc hội cần có những đánh giá nghiêm túc hơn, kiên quyết không đưa vào thẩm tra các dự án chậm tiến độ. Còn Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm ngay từ khâu xây dựng chương trình, chỉ trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh chương trình, và cần coi đây là tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Vai trò kiến tạo đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra. Làm sao để kiến tạo chính sách, kiến tạo nền móng về cơ sở hạ tầng để dẫn dắt, không chỉ các doanh nghiệp mà từng cá nhân thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh xây dựng cuộc sống ấm no, cho dân giàu, nước mạnh như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Nhưng suy cho cùng, luật pháp cũng tạo ra bởi con người. Nếu còn những tư duy lợi ích nhóm, những cái bấm nút thông qua thiếu trách nhiệm, e rằng thể chế chính sách sẽ vẫn là một trong những lực cản lớn đối với sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa tư duy 'co mình ốc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO