Xóa vùng lõm trong tiêm chủng

Đức Trân 22/09/2020 05:56

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với sự tham gia của 62 tỉnh, thành phố.

Tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch giúp trẻ được phòng bệnh nguy hiểm.

Đa số ca mắc bạch hầu không tiêm chủng

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, mặc dù Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm trong năm 2020 với thành công trong công tác kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng có hiệu quả, nhưng còn có hạn chế cần được giải quyết.

Cụ thể, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 3 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.

Số mắc từ 3 tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.

Nhận định về khó khăn trong phòng chống dịch bạch hầu, TS Tấn cho biết, các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc xin. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.

Về dịch sốt xuất huyết, theo TS Đặng Quang Tấn, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%.

Hiện không có sự bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng số mắc các tuần gần đây cơ bản cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao từ tuần 30 trong năm và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể phức tạp hơn.

3 tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, BìnhThuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP HCM và Hà Nội.

Dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong cuối năm 2020

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra dự báo, trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: Cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vaccine phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc.

Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hoá, toàn cầu hóa nhanh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hành vi, lối sống và tập quán người dân vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho phòng chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn ở cả Trung ương và địa phương.

Ông Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các Sở Y tế địa phương phải đề xuất giải pháp nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, thông tin cho người dân để chủ động phòng dịch hiệu quả. Có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, xoá vùng lõm trong tiêm chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa vùng lõm trong tiêm chủng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO