'Xoay trục' sang gạo thơm, chất lượng cao

Ngọc Quang 26/09/2022 07:30

Càng ngày gạo thơm, chất lượng cao càng trở thành xu hướng của sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường. Không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà thị trường thế giới cũng đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên, để đạt được cũng không phải dễ dàng.

Xuất khẩu gạo ngày càng tăng.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 vùng Nam bộ mới diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,379 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và 9,89% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dự báo cả năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo các loại” - ông Nam cho biết và nhấn mạnh thời gian gần đây xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và chất lượng cao. Trong đó, các giống như Đài Thơm 8, OM 5451 và OM 18 chiếm ưu thế và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…

Cụ thể, trong tổng số 6,2 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu trong năm ngoái, thì gạo thơm đạt 2,5 triệu tấn chiếm tỷ trọng 41,2%; gạo trắng chất lượng cao đạt 2,3 triệu tấn, chiếm 37,63%; gạo nếp cũng chiếm tỷ trọng 16,37% trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

“Nhìn vào cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, rõ ràng Việt Nam đã chuyển mạnh sang gạo thơm, gạo chất lượng cao” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo VFA, về thị trường tiêu thụ, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia châu Á và châu Phi. Trong các quốc gia châu Á, thì xuất khẩu sang Philippines nhiều nhất, tiếp theo là Trung Quốc. Còn tại châu Phi là Bờ Biển Ngà và Ghana. Riêng với Philippines, trong tổng lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn 8 tháng đầu năm 2022, thì thị trường này đã chiếm 2,4 triệu tấn. Đáng chú ý thị trường này cũng có sự thay đổi từ loại gạo trắng 15-25% tấm sang gạo thơm và chất lượng cao.

Với vùng sản xuất nhiều lúa nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ đông xuân 2022-2023 sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu héc ta, giảm 6.890 héc ta so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chú trọng chất lượng, các giống lúa OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8, OM 6967, OM 4900… là những giống lúa được Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân đẩy mạnh gieo trồng.

Tuy nhiên, thời gian qua người trồng lúa cũng gặp nhiều khó khăn, cho dù tiêu thụ nông sản thuận lợi nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào tăng cao. Đã có thời gian nông dân “kêu trời” vì giá phân bón và vật tư nông nghiệp “ăn hết” lợi nhuận.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết với ngành sản xuất lúa gạo các vật tư như giống, phân bón chi phí tăng rất cao. Từ đó đẩy giá thành sản xuất của người nông dân cũng tăng theo. Nông dân thu lợi ít hơn và giá gạo xuất khẩu cũng giảm tính cạnh tranh, vì Việt Nam cũng không phải “một mình một chợ” trong xuất khẩu gạo nếu giá gạo lên cao.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, muốn thành công không chỉ nhờ vào nỗ lực của người trồng lúa, của chính quyền địa phương, của Bộ NNPTNT, mà còn phụ thuộc lớn vào giá vật tư nông nghiệp. Từ đó sẽ dẫn đến việc tìm mô hình thích hợp để đảm bảo có gạo chất lượng cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng hơn 8%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo giảm, bình quân chỉ khoảng 487 USD/tấn. Vì vậy, về dài hơi cần đầu tư tốt cho vùng trồng lúa ĐBSCL, nhất là với các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ… khi thực hiện chủ trương 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, muốn đạt mục tiêu nhiều tham vọng đó thì cần có chính sách rõ ràng từ các cơ quan quản lý để hình thành các liên kết vững chắc chuỗi giá trị lúa gạo. “Đề án cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành” - ông Thuận nói.

Một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều quan tâm là tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Trong đó nổi lên 2 việc chính. Một là mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, khiến diện tích trồng trọt thu hẹp, sản lượng vơi hụt. Hai là nước lũ tự nhiên từ thượng nguồn sông Mekong ngày một ít, ruộng mất phù sa. Vì vậy, theo giới chuyên gia nông nghiệp, việc phát triển lúa chất lượng cao ở vựa lúa ĐBSCL không chỉ dừng lại ở ý chí, mà còn phải sớm dành nguồn lực đầu tư tập trung với giải pháp tổng thể cho cả vùng.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam, việc triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là một chủ trương đúng để phát triển, nâng tầm ngành lúa gạo. Nhưng để người trồng lúa yên tâm với nghề sản xuất lúa chất lượng cao, việc đầu tiên là xây dựng quy hoạch một cách bài bản, gắn với thị trường cả trong và ngoài nước. Còn theo ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT, đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phải hình thành được một hệ sinh thái các tổ chức sản xuất - kinh doanh, trong đó đi đầu là doanh nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại). Tiếp theo các hộ nông dân nhỏ lẻ phải liên kết lại thành các hợp tác xã. "Phải giảm khâu trung gian, thương lái để hợp tác xã là người thay thế lo chuyện đầu vào vật tư, giống, máy móc, dịch vụ kỹ thuật, thu mua lúa đúng chất lượng cho doanh nghiệp" - ông Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Xoay trục' sang gạo thơm, chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO