Xử án công tâm

Lê Anh Đức 19/07/2020 14:00

Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM vừa ra kháng nghị giám đốc thẩm vụ án đương sự định nhảy lầu tự tử sau khi tòa tuyên án, theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm (TAND quận Gò Vấp) và phúc thẩm (TAND TP HCM) để xét xử lại. Trong bản kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP HCM đã chỉ ra hàng loạt vi phạm về nội dung và thủ tục tố tụng trong công tác xét xử của cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Việc vi phạm thủ tục tố tụng của tòa án khiến thiếu chút nữa là mất một mạng người khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tại bản kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP HCM khẳng định, việc bản án phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất giữa các đương sự là vi phạm quy định của pháp luật. Về mặt thủ tục tố tụng, thay vì xác định tranh chấp giữa nguyên đơn (ông Phan Quý) và các bị đơn (các ông Dư, Sĩ, Thắng) là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tòa phúc thẩm lại xác định đây là tranh chấp quyền sử dụng đất là không có căn cứ. Việc xác định đối tượng tranh chấp đã sai, liệu tuyên án có đúng?

Mặt khác, tại thời điểm khởi kiện các ông Dư, Sĩ, Thắng, ông Phan Quý cũng đã nhận đủ tiền và giao đất cho các bị đơn nên hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất coi như đã hoàn tất. Chiếu theo quy định của pháp luật, khi hợp đồng giữa hai bên đã hoàn tất thì không bị xem là vô hiệu. Ngay cả việc tách thửa mảnh đất để chuyển nhượng cho ông Lê Văn Dư không vi phạm điều kiện tách thửa (quy định của UBND TP HCM là trên 500 m2, trong khi mảnh đất của ông Dư là 674 m2) nên hợp đồng cũng không bị xem là vô hiệu.

Hơn nữa, chiếu theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015, đối với giao dịch dân sự buộc phải công chứng, chứng thực mà các bên không tuân thủ về hình thức, nhưng đã thực hiện xong, thanh toán đủ giá trị thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, tòa án có thể công nhận hợp đồng đó có hiệu lực.

Với các lập luận trên, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị hủy án, giải quyết lại theo hướng: Nếu không có chứng cứ nào khác để xác định hợp đồng vô hiệu thì phải công nhận hợp đồng nêu trên.

Cũng may là trong vụ án dân sự này chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc từ quyết định sai lầm của TAND quận Gò Vấp và TAND TP HCM. Một bị đơn trong vụ án đã may mắn thoát chết do có người kịp thời can ngăn nhảy lầu tự tử.

Còn bị cáo Lương Hữu Phước trong vụ án tai nạn giao thông ở Bình Phước lại không có được điều may mắn đó. Chẳng ai có thể ngờ ông Phước dùng cái chết để “cảnh tỉnh các cơ quan tư pháp”, nên không kịp thời can ngăn ông nhảy lầu tự vẫn. Song, cái chết của ông cũng được coi là đã “thức tỉnh” cơ quan tư pháp.

Việc các đương sự, bị cáo quyết định lấy cái chết để cảnh báo cơ quan tòa án, rằng bản thân họ bị oan ức, việc xét xử chưa thật sự công tâm, khách quan khiến dư luận xã hội không khỏi nhói lòng.

Các cụ xưa nói, còn người là còn của, có lý nào người ta lại muốn từ giã cõi đời chỉ vì một mảnh đất, hay vì 3 năm tù? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi mà họ cảm thấy vô cùng uất ức nhưng không thể giãi bày, bế tắc tột cùng và mất niềm tin. Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan bảo vệ công lý, xét xử phải công tâm, khách quan. Vậy vì sao các đương sự, bị cáo lại mất niềm tin vào công lý khi tòa tuyên án?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử án công tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO