Xử lý dứt điểm 12 dự án chậm tiến độ

Minh Phương 26/09/2017 08:05

Đối với 12 dự án chậm tiến độ kém hiệu quả đang tồn tại hiện nay trong ngành công thương, Bộ Công thương cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bộ sẽ hoàn thành việc xử lý , đồng thời xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý vận hành khai thác dự án, DN.

Dự án sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ – Một trong 12 dự án phải xử lý.

Lên phương án xử lý cụ thể

Trong báo cáo mới nhất về tình hình và các giải pháp xử lý 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Bộ Công thương cho biết, đến thời điểm hiện nay, 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất về cơ bản đã hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày (trừ Nhà máy đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25/8 đến ngày 10/10); 3 Nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%.

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 15/9, kết quả sản xuất kinh doanh của 4 đơn vị này đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ. Từ tháng 8/2017 Công ty cổ phần DAP – Vinachem đã có lãi, tuy nhiên 3 đơn vị còn lại vẫn còn lỗ do còn gặp rất nhiều khó khăn về giá nguyên liệu và giá sản phẩm thấp.

Đối với các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cũng như giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp có thể gây thua lỗ.

Hiện Bộ Công thương đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 1/1/2018. Riêng Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) hết sức khó khăn và vẫn chưa khởi động lại. PVTex rà soát đánh giá thực trạng Nhà máy thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng để chuẩn bị khởi động lại.

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) tiếp tục thi công đóng mới 2 tàu dịch vụ, tuy nhiên giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng chỉ đạt khoản 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) trong 9 tháng của năm 2017 tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp của TISCO ước đạt 2.061 tỷ đồng với lợi nhuận ước đạt 95,89 tỷ. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 dự kiến thời gian hoàn thành trong Quý IV năm 2017.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, đến nay Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Tuy nhiên, đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá nhưng đều không thành công.

Với các dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, theo Bộ Công thương, Bộ này cũng đã có những phương án cụ thể để xử lý. Bộ Công thương cho biết, phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

Khó khăn mấy cũng phải làm

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp triển khai xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ của ngành công thương diễn ra cuối tuần qua. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục bày tỏ sự quyết tâm sẽ sớm xử lý dứt điểm những bất cập còn tồn tại đối với 12 dự án chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cần có nỗ lực cụ thể giải quyết các vướng mắc của 12 dự án tồn đọng lâu nay. Mặc dù, theo Bộ trưởng, xử lý các dự án này rất phức tạp nhưng “dù có khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn phải làm” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Những động thái quyết liệt của Bộ Công thương đối với việc xử lý 12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ trong thời gian qua được dư luận bày tỏ sự đồng thuận. Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Chính phủ với Bộ Công thương diễn ra sáng 22/9, truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao những động thái quyết liệt của Bộ Công thương đối với việc xem xét xử lý 12 dự án chậm tiến độ thuộc ngành này.

Ông Dũng nhận định, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp xử lý 12 dự án thua lỗ, trực tiếp thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát đánh giá từng dự án để đưa ra xem xét dự án nào tiếp tục hoạt động, dự án nào lên phương án bán, hoặc nếu không thể tiếp tục hoạt động thì cho phá sản… tất cả đều có các phương án, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Bộ Công thương.

Cùng với việc loại bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh, việc gấp rút đưa ra phương án xử lý hàng loạt các dự án chậm tiến độ của Bộ Công thương sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý dứt điểm 12 dự án chậm tiến độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO