Xử lý nghiêm nạn ‘thực phẩm bẩn’

Q.Ngọc-T.Trang 24/05/2021 07:55

Thời gian qua, Quản lý thị trường ở nhiều địa phương phát hiện, thu giữ và tiêu hủy nhiều vụ liên quan tới “thực phẩm bẩn”, như thịt gà bốc mùi hôi thối, xúc xích không nhãn mác, tôm bơm tạp chất…

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều nội tạng, chân gà hết hạn sử dụng.

Mới đây nhất, ngày 22/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra tại một gia đình tại xóm Chùa 2, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trong sân nhà có tới 2.894 kg gà chết (loại gà công nghiệp) đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và 265 kg gà đã thịt đã đóng túi.

Chủ nhà cho biết số gà trên được ông lấy từ một trang trại gà trên địa bàn xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên mang về bán cho một người ở thôn Yên Tàm, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với mục đích kiếm lời. Khi các đối tượng đang trong quá trình cân, đóng bao cho lên xe ô tô BKS 29H-487.47 để vận chuyển về Sóc Sơn, Hà Nội thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Chú nhà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số gà trên và hoạt động giết mổ gia cầm của gia đình ông chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Số hàng hóa trên đã được cơ quan chức năng xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trước đó, ngày 19/5, Đội QLTT số 7 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) đã phối hợp với Đội CSGT số 2 (Phòng PC08 - Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 14B-03356 do một người trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều vừa là lái xe kiêm chủ hàng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 100 kg xúc xích được đóng gói trong các túi nilon không có nhãn mác. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 7 ban hành Quyết định xử phạt 8.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Còn tại Kiên Giang, ngày 17/5, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh này phối hợp với cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra ô tô tải mang biển số 68C -12491 tại ấp 9 Xáng I, xã Đông Hòa, huyện An Minh. Đoàn kiểm tra phát hiện có 300kg tôm thẻ nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa xác định được chủ sở hữu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ lô hàng trên, đồng thời phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xác định 300 kg tôm thẻ nguyện liệu trên có chứa tạp chất Agar.

Được biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, các Đội Quản lý thị trường Kiên Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử lý 6 vụ việc liên quan tôm trích tạp chất, phạt tiền trên 200 triệu đồng.

Cũng cần nhắc lại, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng. Cùng đó, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 tháng đến 6 tháng, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ một tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Riêng đối với hành vi sử dụng, chế biến, cung cấp thực phẩm bẩn thì có nhiều mức phạt, cụ thể như:

-Phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu ATTP không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng...

-Phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng…

-Phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với người sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là mức phạt cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm hành vi này thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ một đến ba tháng; tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.

Nếu hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nghiêm nạn ‘thực phẩm bẩn’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO