Xử lý nợ xấu thông qua đấu giá

Hoài Vũ (thực hiện) 26/11/2015 09:25

Hiện việc xử lý nợ xấu đang còn nhiều vướng mắc từ cơ chế cho đến vốn. Chính vì thế để giải quyết vấn đề về môi trường pháp lý, nợ xấu đã được đưa vào trong Luật Đấu giá tài sản để thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Về vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Hoàng Long.

PV: Xin ông cho biết quá trình xử lý nợ xấu hiện đang gặp phải những vướng mắc gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nợ xấu có 3 loại mắc mớ. Thứ nhất là luật pháp, môi trường pháp lý mà đấu giá là một nội dung. Thứ hai là vốn ở đâu? Và thứ ba là sự phối hợp giữa các ngành các cấp với nhau như thế nào?

Luật Đấu giá tài sản có đưa vấn đề xử lý nợ xấu vào? Vậy đây có phải là một trong những giải pháp để xử lý, thưa ông?

- Nợ xấu là nợ có tính chất đặc thù, cụ thể nên nhiều ý kiến đề nghị đưa vào Luật đấu giá tài sản vì đấu giá là chung cho các tài sản có tiêu chí tiêu chuẩn chung. Nợ xấu diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây cho nên ghi vào trong Luật để lấy định hướng những nội dung có tính chất lớn, còn hướng dẫn cụ thể của Chính phủ thì xử lý nợ xấu mới thông thoát được, nói cách khác là phải có hướng dẫn riêng của Chính phủ thì mới làm được. Nhiều Luật phải như thế chứ không phải chỉ có Luật này.

Riêng nợ xấu của Ngân hàng trong định hướng, để giải quyết đấu giá còn liên quan đến tài sản thế chấp, liên quan đến các vụ án nên tuy có quy định vào đây nhưng vẫn phải có hướng dẫn riêng. Việc đưa nợ xấu vào Luật thì được Luật công nhận chứ nếu để xử lý như trước kia thì chỉ là dưới Luật. Vì thế đưa xử lý nợ xấu vào Luật này, bây giờ chỉ cần Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu được đưa vào và có định hướng chung, có những yếu tố quy định riêng để triển khai phổ biến cụ thể hơn. Chính vì vậy Chính phủ cần triển khai rất nhanh, kịp thời và đảm bảo tính tương tác tức là sự thống nhất giữa Luật này với các Luật khác đã được quy định trước đây và đang được thực hiện.

Từ những bất cập trong thực tế, ông thấy Luật này đã đáp ứng được chưa?

- Tôi cho rằng đáp ứng được và đảm bảo được quá trình hội nhập theo thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế họ đã làm những việc này rồi, họ đã có tiêu chí, tiêu chuẩn riêng để đảm đảm bảo tính pháp luật nghiêm minh và thực thi cho nó tốt. Cho nên tôi nghĩ rằng nó đảm bảo vừa giải quyết được những vấn đề thực tế trước mắt cũng như các quy định của quốc tế làm cho hoạt động đấu giá minh bạch hơn.

Nhưng vẫn còn một số điểm chưa thông?

- Chuyển cơ quan đấu giá của Nhà nước thành tư nhân thì bây giờ tắc trong xử lý, kể cả biên chế cũng như lao động ra sao- chúng ta cần giải quyết một cách cụ thể, vì chúng ta đã giải quyết được nhiều trường hợp như thế này rồi, kể cả cổ phần hóa.

Còn đấu giá nước ngoài là không được vì phải theo luật pháp nước ngoài, hay tư cách của đấu giá viên cũng phải quy định một cách cụ thể hơn để đảm bảo tiêu chí tiêu chuẩn cho nó thống nhất thì thực hiện mới an toàn hơn.

Hoặc tiêu chuẩn đấu giá viên là vấn đề quan trọng vì tất cả những vấn đề liên quan đến kinh tế, những người chấp pháp, những người của cơ quan công quyền phải có đạo đức đã đành nhưng riêng đấu giá viên liên quan đến nhiều công đoạn chi tiết có thể lợi dụng cho nên phải làm nghiêm. Việc quy định đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật sẽ tránh được thất thoát có thể xảy ra.

Vậy ngoài Luật Đấu giá ra thì theo ông cần thêm những giải pháp nào để giải quyết nợ xấu?

- Nợ xấu có 3 vấn đề. Trong đó, lớn nhất là môi trường pháp lý, có nhiều vấn đề từ đấu giá tài sản cho đến xử lý các vụ án, xử lý tài sản tranh chấp.

Thứ hai là về vốn vì bây giờ nước ngoài họ chưa vào còn trong nước thì chưa đủ vốn. Mà dù trong nước hay ngoài nước khi đầu tư vào thì cũng phải có cơ chế, môi trường pháp lý.

Ví dụ như đất phải có sổ đỏ thì người ta mới mua, chứ mua đất mà không có sổ đỏ thì họ cũng không bán được. Trong khi đó sổ đỏ của ta thì đất là sở hữu toàn dân giao cho xí nghiệp quản lý để sử dụng thôi. Nhưng bây giờ anh lấy đất đấy đấu giá bán đi theo giá thị trường thì không được vì không được bán đất Nhà nước. Mặc khác người nước ngoài họ thấy không có sổ đỏ là họ không mua.

Thứ ba là không phải riêng công ty quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng VAMC có thể giải quyết được vì nó còn liên quan đến các cơ quan tư pháp như: Tòa án, công an, tài chính. Ví dụ như định giá tài sản thì ai quyết định? giá nào? cao hay thấp? cao thì người ta không mua, còn thấp thì là bao nhiêu? mức như thế nào là được? mức như thế nào là không gây rủi ro?

Bởi,nếu không quy định rất có thể dẫn đến lợi dụng đấu giá cao hoặc thông đồng để chia chác nhau hoặc người ta nghi ngờ sẽ có chia chác nên việc đấu giá rất mù mờ. Cho nên sự phối hợp giữa các ngành với nhau là rất quan trọng và phải có sự chỉ đạo của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nợ xấu thông qua đấu giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO