Xử lý rác thải đầu nguồn: Vẫn thiếu giải pháp căn cơ

K. Vy 18/08/2020 13:00

Từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội luôn là thách thức đối với môi trường sống, khiến các bãi chôn lấp phải “oằn mình” gánh đỡ lượng rác quá tải mỗi ngày. Điều này còn gây lãng phí nguồn tài nguyên từ rác hữu cơ.

Việc phân loại rác thải tại nguồn là rất cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Tìm biện pháp xử lý lâu dài

Nhiều năm trở lại đây, rất nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, nhiều điểm tràn xuống vỉa hè, lòng đường. Hình ảnh trên một con phố cứ một đoạn ngắn lại xuất hiện ụ rác lớn nhỏ và những xe thu gom rác xếp hàng dài ở các điểm tập kết là điều dễ dàng có thể nhìn thấy.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.

Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.

Chia sẻ về biện pháp xử lý, các chuyên gia đều chung nhận định việc hạn chế chôn rác thải là chuyện lâu dài cần thực hiện. Với một đô thị đông dân và phát triển với tốc độ cao như Hà Nội thì quỹ đất cho công tác chôn cất có hạn, lâu dài sẽ gây ô nhiễm và thành phố cần sớm đầu tư nguồn lực để chuyển sang đốt rác như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Để thực hiện tốt vấn đề này thì một trong những yếu tố quan trọng chính là nâng cao ý thức người dân để có thể phân loại rác ngay từ đầu nguồn.

Theo kinh nghiệm xử lý rác của các nước trên thế giới, họ luôn chú trọng việc phân loại rác từ đầu nguồn và người dân phải trả tiền rác thải; hạn chế việc bao cấp. Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn cần tăng cường đầu tư các lò đốt thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp rác, tái chế tái sử dụng… và mô hình để thuận lợi nhất cho việc xử lý chính là xã hội hóa, sử dụng các công nghệ đốt rác, tái chế, tái sử dụng và hạn chế việc chôn rác.

Không nên để phí rác hữu cơ

Theo các chuyên gia về môi trường nhận định: Có phân loại rác mới có thể tái sử dụng, hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, đã chục năm nay, việc phân loại rác vẫn chưa thành yêu cầu bắt buộc với toàn dân. Ở nước ta phân loại rác vẫn là 1 cuộc vận động.

Trên thực tế, một số địa phương đã thực hiện thí điểm hoặc thử nghiệm phân loại rác tại nguồn, song các phương án phân loại hiện nay không đồng nhất. Và điều đáng nói là dù có chia làm 2, 3 hay 4 loại rác khác nhau, thì phương án thu gom và xử lý tại các địa phương vẫn chưa được đồng bộ hóa. Việc thu gom vận chuyển được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương.

Thực trạng phức tạp trong bức tranh quản lý chất thải tại Việt Nam khiến cho nhựa vẫn tiếp tục bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm, và trong số đó chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhựa có giá trị cao mới được xử lý và tái chế.

Trong ngành quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ tăng hiệu quả cho việc bóc tách rác thải nhựa ra khỏi “núi rác” tổng hợp, giúp cho quy trình thu gom, xử lý, tái chế được tiến hành thuận lợi và triệt để hơn. Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý rác thải đầu nguồn: Vẫn thiếu giải pháp căn cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO