Xử lý sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Yêu cầu tạm dừng thi công

Hoàng Sa 17/12/2021 09:03

Dù đưa ra lý do “khắc phục hậu quả do mưa lũ” nhưng quá trình thi công chống sạt trượt lại tập trung vào đào múc, vận chuyển đất, không đúng với phương án được chấp thuận, chậm tiến độ…

Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình phê duyệt lựa chọn, chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Phương Nam (có địa chỉ tại Thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) thực hiện Gói thầu 01 “thi công khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra trên đoạn km11+480 - km11+780 đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT với hình thức “hợp đồng điều chỉnh giá” và giá trị hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo giá trị dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận và chủ đầu tư phê duyệt; thực hiện trong thời gian 30 ngày tính từ ngày được phê duyệt là ngày 18/10/2021.

Tuy nhiên, với gần 4 tỷ đồng chi phí “tạm phê duyệt” với đoạn dài chỉ 300m dù đã chậm tiến độ hơn 1 tháng nhưng hiện trường dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc đào múc và vận chuyển đất.

Hơn nữa, theo thiết kế sơ bộ ban đầu được đưa ra, việc xử lý sạt trượt được chấp thuận với 3 mái taluy có độ dốc 1:1,5 cùng các khoảng cách MIA tương ứng. Qua quan sát, tình trạng thực tế hiện trường thi công thì lượng đất đã được đào sâu xuống gần bằng với mặt đường, cao độ tự nhiên thay đổi và không tương quan với các cao độ thiết kế để có thể tạo cơ taluy, khoảng cách và độ dốc mái taluy theo như bản vẽ được đưa ra, không đúng với phương án thi công.

Cho đến nay các đơn vị liên quan cũng chưa cung cấp để minh chứng được văn bản liên quan đến bãi đổ thải đất chính xác có xác nhận của chính quyền địa phương mà lại cho rằng đất thải được đơn vị thi công tập kết tại một địa điểm cách vị trí thi công hơn 10 km, đồng thời bác bỏ việc đất thải được chở vào sử dụng cho một dự án trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với lý do “có thể không kiểm soát được nên bị lái xe vận chuyển vào đó”.

Đối với điểm xử lý sạt trượt này, trước đó, Công ty BOT QL6 đã đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam xem xét chấp thuận bổ sung hạng mục xử lý sụt lở taluy dương vào chi phí khắc phục hậu quả mưa bão giai đoạn vận hành dự án với tổng kinh phí là hơn 4,6 tỷ đồng theo dự toán và hồ sơ giải pháp thiết kế được gửi kèm.

Tổng cục đường bộ Việt Nam đã chấp thuận cho “dọn toàn bộ đất sụt, trượt, cắt cơ hạ tải giảm bớt một phần mái dốc tại vị trí có nguy cơ sụt trượt và tiếp tục theo dõi”, khẩn trương xử lý khắc phục hư hỏng và đảm bảo thi công xong trước ngày 10/11/2021, điều chỉnh cho phù hợp, an toàn và báo cáo ngay về Tổng cục đường bộ Việt Nam nếu có khó khăn, vướng mắc lớn.

Vừa qua, trước những thông tin phản ánh và kiểm tra hiện trường thi công, tiến độ thi công chậm nên Tổng cục đường bộ Việt Nam đánh giá Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn chưa kết thúc công tác khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm giao thông bước 1 như chỉ đạo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, việc đào bạt giảm tải tại một số mặt cắt ngang chưa trùng khớp với hồ sơ do Công ty đề xuất.

Yêu cầu tạm dừng việc thi công, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra hiện trường, xác định mức độ ổn định của mái taluy dương trong phạm vi đã được đề bạt, đề xuất phương án tiếp tục hay dừng lại công tác đào bạt mái taluy dương, lập biên bản thống nhất gửi về Tổng cục đường bộ Việt Nam để được xem xét, chỉ đạo.

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan đến văn bản chỉ đạo của Tổng cục đường bộ Việt Nam; việc thực hiện “vượt khối lượng” với phương án thi công ban đầu; phương án xử lý tài chính, khối lượng đất được đào múc và vận chuyển, tính toán ra sao; việc thi công chậm tiến độ hơn 1 tháng và vẫn chỉ tập trung đào múc đất đi đổ….

Ông Bùi Văn Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết: Tổng cục đường bộ Việt Nam có ý kiến chỉ đạo cho tạm dừng, đã mời các thành phần liên quan xuống kiểm tra, cho ý kiến và các bên đang thống nhất ký biên bản sau đó sẽ báo cáo Tổng cục.

Cũng theo ông Bát, hiện công ty chưa có văn bản và mới cho tạm dừng, thời gian vượt một chút so với ban đầu vì “mưa gió”. Đây là dự án làm xong rồi mới báo cáo, hoàn công. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề về thông tin tiếp nhận được là tại vị trí này được đại diện đơn vị thi công cho rằng “việc đào múc sẽ tạo mặt bằng để sau này làm điểm dừng nghỉ” thì ông Bát khẳng định: Làm sao làm được.

“Trạm dừng nghỉ phải có cấp thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận từ Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội,… và còn phải đấu thầu, đấu giá, quy hoạch… Tóm lại là công ty không có chủ trương đó, đây chỉ là dọn cho đỡ sạt trượt thôi” - ông Bát nói.

Về giá trị hợp đồng đã ký với đơn vị thi công (hơn 3,945 tỷ đồng) khi quyết toán sẽ (tăng/giảm) ra sao thì được ông Bát thông tin: Không tăng được vì khi ký đã rõ, nếu thi công có vượt thì cũng chỉ thanh toán theo những gì đã duyệt. Vấn đề đất đào múc được coi là đất thải, chủ đầu tư phải bỏ tiền ra để đơn vị thi công đổ đất đi, ông Bát cho rằng đây là xử lý bão lũ nên ký hợp đồng với nhà thầu, đất coi như là đất thải bỏ đi, chỉ cho chở đi trong phạm vi mấy kilômét chứ không thể muốn chở đi đâu cũng được.

Về nguyên tắc, nhà thầu phải báo cáo chủ đầu tư, chủ động liên lạc với địa phương để xem xét, xác định bãi đổ thải gần nhất để giảm chi phí (trong khoảng 4 km hoặc 5 km, càng thấp càng tốt) sau đó phải mời chủ đầu tư, tư vấn giám sát, địa phương cùng xác nhận biên bản đổ thải… nếu làm sai sẽ bị phạt, xử lý.

Trên thực tế, đất là tài nguyên, nhu cầu được cấp phép mỏ đất, sử dụng đất làm vật liệu san lấp cho các dự án phải tuân thủ theo những quy trình, quy định nghiêm ngặt của pháp luật để tránh “tư lợi”, thất thoát tài nguyên, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, trước những thông tin, hiện trạng thi công đối với dự án chống sạt lở này cũng cần được xem xét rõ bản chất vấn đề khi việc chống sạt lở vừa phải tốn kinh phí; việc thi công khác với thiết kế được chấp thuận nhưng không báo cáo; việc đào múc, vận chuyển đất tại hiện trạng công trình có những biểu hiện “không chỉ dừng lại ở việc chống sạt trượt”, việc đào múc đất vượt quá mức thiết kế trong khi đó chủ đầu tư phải bỏ tiền ra thi công và đất được coi là đất thải đã khiến dư luận đặt nhiều hoài nghi về sự lãng phí, thất thoát cần được xem xét lại cho thấu đáo, tránh lãng phí.

Trước những vấn đề được đề cập và tiến trình chủ đầu tư thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, đại diện Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết “Công ty BOT phải báo cáo và sẽ đôn đốc họ báo cáo trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Yêu cầu tạm dừng thi công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO