Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại

H.Vũ 08/01/2021 07:00

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng.

Cán bộ quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa.

Ngày 7/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng.

Lợi dụng dịch Covid-19 để phạm tội

Báo cáo tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP cho biết: Năm 2020 xảy ra hơn 42.900 vụ vi phạm trật tự xã hội, giảm 6,8% so với năm 2019. Tội phạm tuy giảm về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng. Nổi lên là tội phạm giết người, chủ yếu do mâu thuẫn trong sinh hoạt, mâu thuẫn tình ái, giết người thân còn xảy ra nhiều với tính chất, mức độ nguy hiểm.

Tội phạm có tổ chức được kiềm chế, tuy nhiên tại một số địa phương có thời điểm một số băng, nhóm hoạt động trong một thời gian dài mới được phát hiện. Điển hình như băng nhóm Xuân Đường tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “cá”) tại Đồng Nai, băng nhóm vợ chồng Lê Văn Phú (Phú “lê”) tại Hà Nội.

Theo Thượng tướng Vương, tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế nổi lên là hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gia tăng tại các thành phố lớn và trung tâm kinh tế. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã phát sinh một số loại tội phạm như: đầu cơ, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Điển hình là các vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai, lợi dụng chủ trương xã hội hóa trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công để trục lợi; buôn lậu, đầu cơ làm giả các mặt hàng phòng, chống dịch. Còn tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ diễn ra phức tạp và đa dạng hơn ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn, cùng với đó là tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tục, các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ giả mạo xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Có sự thiếu trách nhiệm, bao che, tiếp tay

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Công tác phòng, chống tội phạm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đặc biệt, các lực lượng đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công.

Đặc biệt, trong năm 2020 các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất kinh doanh, các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, trong công tác phòng, chống tội phạm, một số trường hợp nắm thông tin còn chậm, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, vẫn còn để xảy ra một số loại tội phạm nghiêm trọng; nhiều nơi còn để tội phạm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen” kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần tập trung đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, như: tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO