Xử phạt dạy thêm: Kiên quyết nhưng cần hợp lý

Thu Hương 09/10/2018 09:00

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra mức xử phạt thấp nhất từ 1 – 2 triệu đồng, cao nhất từ 12 – 15 triệu đồng nếu dạy thêm không đúng quy định. Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất hình thức bổ sung như đình chỉ giảng dạy. Liệu mức phạt này có đủ sức răn đe?

Xử phạt dạy thêm: Kiên quyết nhưng cần hợp lý

Ảnh minh họa. Ảnh: Quang Vinh.

Hiểu cho đúng

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội, dạy thêm, học thêm đang là vấn đề khá nan giải, đau đầu của ngành giáo dục cũng như xã hội. Nhiều giáo viên cho rằng, thời gian trên lớp không thể đủ để giảng dạy hết cho học sinh (HS) kiến thức, kỹ năng.

Vì vậy, HS cần phải học thêm. Nhưng dạy thêm thế nào để không bị vi phạm, quản lý ra sao cho hiệu quả không phải bài toán dễ. Vì thực ra, với những quy định trong dạy thêm, học thêm, giáo viên lách luật không khó. Thực tế đã chứng minh điều này. Vì vậy, việc đưa ra luật cần chặt chẽ, cụ thể hóa để dễ áp dụng.

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, quy định một số đối tượng không được dạy thêm. Trong đó điều 4 quy định: Không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TC chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Như vậy, cũng giống như nhiều ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư,… vẫn được đi làm thêm, nhà nước và Bộ GDĐT không cấm dạy thêm, học thêm.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GDĐT cho rằng, những quy định này đề ra để xử phạt những hành vi dạy thêm không đúng. Chẳng hạn, hiện nay các giáo viên dạy thêm chủ yếu là tự phát và chưa có đăng ký. Trong Dự thảo nghị định mới quy định rõ tất cả các địa điểm dạy thêm ở ngoài nhà trường đều phải có đăng ký và được cấp phép. Bộ GDĐT bổ sung thêm điều kiện giáo viên muốn dạy thêm phải được sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường.

“Từ đó đảm bảo lành mạnh, tránh biến tướng của việc dạy thêm, học thêm. Những tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm cần tuân thủ đúng quy định, nghiêm túc, có tổ chức, đăng ký đàng hoàng, để không còn tình trạng lớp học thêm chật chội, không bàn ghế, dạy không đúng chương trình” – ông Nguyễn Huy Bằng nói.

Băn khoăn mức phạt

Trước đó, Nghị định 138 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục năm 2013 chỉ quy định phạt người tổ chức dạy thêm. Trong khi đó, dự thảo nghị định phạt đang đưa ra lấy ý kiến, có quy định cả người dạy thêm.

Về mức xử phạt trong dự thảo thấp nhất từ 1 – 2 triệu đồng, cao nhất từ 12 – 15 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng không đủ sức răn đe. Bởi thực tế, có nhiều lớp dạy thêm thu được số tiền một buổi tới hơn 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, ban soạn thảo đã bàn bạc rất kỹ. Thực tế, số tiền thu được từ dạy thêm nhiều chỉ có ở các thành phố lớn, những tỉnh khác thu từ dạy thêm không cao. Nghị định để áp dụng trong cả nước, quy định mức xử phạt phải đảm bảo tính khả thi. Hơn nữa, cùng với phạt tiền còn có hình thức bổ sung như đình chỉ giảng dạy.

Ngược lại với ý kiến mức phạt tiền chưa đủ sức răn đe, có quan điểm cho rằng môi trường giáo dục là đặc thù. Nếu chọn giải pháp phạt tiền thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt các em HS. Một khi không còn sự kính trọng từ người học, người thầy sẽ giảng dạy ra sao?

Về băn khoăn này, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, nếu thực hiện Nghị định không hợp lý, không dứt khoát có thể làm nảy sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, cần phải tính đến tính bền vững. Theo đó, muốn bền vững, phải được xây dựng từ văn hóa ứng xử. Hiện, Bộ GDĐT đã có Thông tư về xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường, hay phòng chống bạo lực học đường.

“Trước khi thực hiện Nghị định phạt (chưa nói đến phạt tiền), thì phải cung cấp, tập huấn cho giáo viên về những phương pháp quản lý hành vi tích cực. Điều này giúp giáo viên có thể điều chỉnh các hành vi chưa tích cực khác. Từ trước tới nay, cách thức mà chúng ta đang quen, là điều chỉnh hành vi tiêu cực của HS hơi khắc nghiệt, mang kiểu đe dọa. Nhưng giờ đây, giáo viên cần phải có phương pháp giảng dạy khoa học, hiện đại hơn. Muốn vậy, mỗi giáo viên phải được phổ biến, được tập huấn nâng cao nghiệp vụ” – PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Đối với phụ huynh, cũng phải có nhận thức rõ ràng, thay đổi suy nghĩ. Đừng nghĩ môi trường giáo dục là mua – bán, người cung cấp dịch vụ - sử dụng dịch vụ. Cần sự chung tay với giáo viên, nhà trường từ phía phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ hơn là đòi hỏi một phía kiểu “trăm sự nhờ thầy cô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử phạt dạy thêm: Kiên quyết nhưng cần hợp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO