Xuất khẩu nông sản: Khởi sắc từ đầu năm

Minh Sang - Lê Bảo 12/02/2022 05:58

Các mặt hàng như trái cây, rau củ quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu đầu năm. Đây là những tín hiệu khởi sắc, tạo đà cho mục tiêu xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 49 tỷ USD và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều tín hiệu vui cho thấy nông sản Việt có cơ hội bứt phá trong năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Dồn dập đơn hàng triệu đô

Năm 2021, ngành NN&PTNT đã nỗ lực vươn lên hoàn thành toàn diện và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%...

Theo Bộ Công thương, trong năm 2022 dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU. Đây sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Trong đó, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

Dự báo cũng cho thấy triển vọng khả quan của hạt điều xuất khẩu sang EU trong năm 2022. Đặc biệt, với việc những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở thị trường EU trên dưới 6% về giá trị.

Thực tế ngay tuần đầu tiên của năm mới, Công ty CP Phúc Sinh đã xuất 20 container hạt tiêu, cà phê đi Hà Lan, Đức với giá trị lên tới 6 triệu USD. Ngoài ra, các đơn hàng xuất đi Nga, Pháp, Mỹ… cũng đã được chốt lịch xuất trong tháng 2/2022.

Không riêng Phúc Sinh, ngay trong đầu năm mới, nhiều hợp đồng thương mại xuất khẩu nông sản đã được các DN xuất khẩu Việt Nam ký kết thành công. Điển hình như công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam, đầu năm 2022, đã ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu, đồng thời, tiếp tục thương lượng cho 3 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi, hỗn hợp sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều và cung cấp hồ tiêu cả năm, số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tín hiệu rất khả quan.

Nhận định từ Bộ NN&PTNT cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản…đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.

Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch đạt 391.800 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước. Sản lượng trên diện tích thu hoạch đạt 2,08 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 đạt 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt Nam duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100% tấm.

Mặt hàng thủy sản cũng đang có nhiều dự báo khả quan. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

Đối với các mặt hàng làm từ gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới hết quý I/2022 rất khả quan bởi các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và các nước EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.

Giá trị xuất khẩu nông sản những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững.

Đẩy mạnh mặt hàng chiến lược

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song theo nhận định của giới chuyên gia, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, nghĩa là chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành Nông nghiệp cần tập trung gia tăng chế biến, chú trọng những mặt hàng chiến lược có giá trị cao.

Phân tích về thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên cũng có không ít thách thức như dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu đối với sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

“Nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực là những giải pháp sẽ được đẩy mạnh trong năm 2022.

Ngoài ra, Bộ đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương:

Tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm

Việt Nam đã tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đã hội nhập kinh tế quốc tế với bên ngoài nhưng việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn hạn chế. Do đó, cần phải tạo nên chuỗi sản xuất mà trong đó DN lớn là hạt nhân lôi kéo được sự tham gia của hợp tác xã, nông dân trong chuỗi sản xuất quy mô lớn.

Chuỗi sản xuất ấy phải tuân thủ quy định về vùng trồng, mã số, mã vạch, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... thì mới tránh được rủi ro. Bên cạnh đó cần bỏ tư duy xuất khẩu “bỏ trứng vào cùng một giỏ”, phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Việc đa dạng hóa thị trường không khó bởi hiện nay chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 2 hiệp định thương mại tự do EVFTA và RCEP, thì việc cần làm hiện nay là các DN phải tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế để đưa được hàng hóa Việt Nam vào những thị trường này. Nhà nước cần có chính sách, môi trường để tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Trong khâu này, điểm quan trọng là tháo gỡ các thủ tục gây khó khăn cho DN, hỗ trợ DN phát triển.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên:

Tạo chuỗi liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng

Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã có sự chủ động từ sản xuất đến thị trường, chính sự chủ động này đã đem đến thành công cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đơn cử với rau quả, sự chuyển dịch sang chế biến không chỉ phù hợp với bối cảnh hiện tại mà còn tạo được hướng đi mới, bền vững cho mặt hàng này. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ rau, trái cây thứ 9 trên bảng “xếp hạng” của thế giới. Năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 53,7% thị phần xuất khẩu trong năm 2021. Có thể thấy, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc có lợi thế là thị trường gần nhưng 2 năm nay giá trị xuất khẩu lại giảm.

Thực tế cho thấy, khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, phần lớn nông sản chỉ có thể quay đầu về tiêu thụ nội địa chứ không thể chuyển hướng tiếp tục sang các thị trường khác do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Điều này phản ánh thực trạng nông dân mới chú trọng số lượng mà chưa tập trung đến các tiêu chuẩn mang tính phổ biến của thị trường toàn cầu và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, tổ chức sản xuất theo quy trình đặt hàng. Thực hiện theo quy trình này góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng dư thừa sản lượng, bán tháo và giải cứu như hiện nay.

Minh Sang - Lê Bảo(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông sản: Khởi sắc từ đầu năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO