Xung đột Nga – Ukraine: Cú sốc cho nền kinh tế thế giới

Hà Anh 19/03/2022 06:30

Nhiều báo cáo cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine là “một đòn giáng mạnh” đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng và làm giá cả gia tăng. Những cú sốc này sẽ đe dọa quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 và chặn con đường hướng tới phát triển bền vững.

Nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều rủi ro trước cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng giá cả, nguồn cung

Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2 là diễn biến mang tính xúc tác bước ngoặt, đẩy giá dầu thô lên ngưỡng cao mới. Chỉ sau chưa đầy một tháng, dầu đã bước vào vùng giá trên 100 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu Brent Biển Bắc đứng ở mức 106,64 USD/thùng, tăng 8,8% so với phiên trước đó. Dầu Tây Texas (WTI) chốt phiên với mức giá 102,98 USD/thùng, tăng 8,4%. Đà tăng tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch ngày 18/3. Tại thời điểm 10h00 (giờ Hà Nội), dầu Brent và WTI giao dịch ở mức giá 108,95 USD/thùng và 105,46 USD/thùng, tăng tương ứng 2,17% và 2,41% so với chốt phiên ngày 17/3.

Giá dầu trên thị trường thế giới hiện ở mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây và nếu tiếp tục đà tăng, điều được giới phân tích coi là xu thế chính, giá dầu có thể sẽ là nhân tố cản trở tăng trưởng kinh tế, làm giảm tiêu dùng, thậm chí là tiềm ẩn mất ổn định chính trị, bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm và những gì từng diễn ra ở Kazakhstan, Iran và Zimbabwe trong một năm trở lại đây là minh chứng rõ nét.

Xung đột ở Ukraine càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng nguồn cung, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã có ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu mỏ của Nga, dù mới ở góc độ gián tiếp. Theo hãng tư vấn Energy Aspects, khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga hiện rơi vào tình cảnh khó tìm kiếm khách hàng. 30% còn lại được chuyển tới châu Âu và vùng Viễn Đông Nga.

Trong khi đó, ở một lĩnh vực khác của nền kinh tế giới là lương thực và thực phẩm, mọi dự đoán đều không khả quan về tình hình giá cả trong tương lai gần. Ông Ronald Kers, ông chủ của hãng thực phẩm công nghiệp hàng đầu nước Anh 2 Sisters cảnh báo rằng, giá cả có thể tăng tới 15% trong năm nay do hậu quả của xung đột ở Ukraine.

Cùng với đó, nhà sản xuất bột mì hàng đầu của Anh GR Wright & Sons cũng đã cảnh báo, giá bột mỳ của họ chắc chắn sẽ tăng, bởi Nga và Ukraine là 2 nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới và xuất khẩu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu từ Viện nghiên cứu của Quỹ Resolution cho thấy, cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến chi phí sinh hoạt tăng vọt vào mùa thu và rằng chi phí sinh hoạt có thể tăng lên tới 10% đối với các hộ gia đình nghèo, những người có hóa đơn năng lượng và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của họ.

Tổn hại đến tăng trưởng kinh tế

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao, cũng như có thể tái định hình về cơ bản trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Trên trang mạng chính thức của IMF, cơ quan này nêu rõ, cuộc xung đột ở Ukraine là “một đòn giáng mạnh” đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng và làm giá cả gia tăng.

Theo IMF, ngoài việc tạo ra những dòng người di cư lịch sử, cuộc xung đột đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn giá trị thu nhập, đồng thời làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine.

IMF cũng lưu ý rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có thể làm suy giảm niềm tin kinh doanh và tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư, điều này sẽ làm giảm giá tài sản, thắt chặt các điều kiện tài chính và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi.

Các quan chức IMF cho biết, họ dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được đưa ra trước đó ở mức 4,4%. IMF dự định sẽ đưa ra các dự báo cập nhật vào ngày 19/4 tới. IMF cho rằng, các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn, nhất là ở những khu vực như phía Nam sa mạc Sahara châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á.

Theo IMF, tình trạng mất an ninh lương thực có khả năng gia tăng hơn nữa tại các khu vực của châu Phi và Trung Đông, nơi các quốc gia như Ai Cập nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine. Như vậy, trong dài hạn, cuộc xung đột về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu trúc, mạng lưới thanh toán chia rẽ.

IMF cũng cho rằng, châu Âu có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng lớn hơn. Trong đó, khu vực Đông Âu sẽ phải đối mặt với những tổn thất tài chính cao hơn do hiện có khoảng 3 triệu người đã từ Ukraine đến khu vực này.

Các nước tại khu vực Trung Á và Caucasus, vốn có hệ thống thanh toán và thương mại liên kết chặt chẽ với Nga, sẽ bị tác động mạnh mẽ hơn do ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt đối với Moskva, với những hạn chế về kiều hối, thương mại, đầu tư và du lịch.

Ở châu Á, IMF cho rằng, những nước nhập khẩu dầu mỏ có nguy cơ chịu tác động lớn nhất, nhưng một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể giảm bớt được tác động này nhờ các chính sách trợ cấp nhiên liệu mới.

Tổng thư ký UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển) Rebeca Grynspan cảnh báo: “Cuộc xung đột ở Ukraine gây ra một cái giá quá lớn về sự đau khổ của con người và đang gây ra những cú sốc cho nền kinh tế thế giới. Tất cả những cú sốc này đe dọa lợi ích đạt được trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 và chặn con đường hướng tới phát triển bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung đột Nga – Ukraine: Cú sốc cho nền kinh tế thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO