Xung quanh việc cấp điện cho 'cụm công nghiệp' Lại Dụ

HÀ AN - NAM ANH 18/06/2022 00:36

Bị lập hồ sơ vi phạm lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng công trình, nhà xưởng… vi phạm pháp Luật Đê điều, nhưng gần 40 hộ sản xuất tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép vẫn được Công ty Điện lực Hoài Đức ký hợp đồng cung cấp điện để hoạt động suốt nhiều năm qua.

Nhiều trạm biến áp cung cấp điện của Điện lực Hoài Đức được xây dựng tại "cụm công nghiệp" Lại Dụ không phép.

Ngày 14/6/2022 vừa qua, liên quan tới vụ việc “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép, từng bị UBND xã An Thượng ra thông báo cưỡng chế vào năm 2016, nhưng vẫn có thể ngang nhiên hoạt động sản xuất cho tới nay, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Công ty Điện lực Hoài Đức (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội).

Buổi làm việc xoay quanh nội dung Công ty Điện lực Hoài Đức có hợp đồng mua bán điện đối với các hộ kinh doanh tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ, khu vực đất bãi ven sông Đáy, nơi xuất hiện chỉ giới hành lang thoát lũ và vi phạm hành lang thoát lũ theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Các hợp đồng mua bán điện sản xuất giữa Công ty Điện lực Hoài Đức với các hộ kinh doanh diễn ra trong suốt nhiều năm qua.

Theo ông Bình: Tại khu vực bãi ven sông Đáy thuộc thôn Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), Công ty Điện lực Hoài Đức đang cung cấp điện cho các hộ sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp Lại Dụ thông qua Trạm biến áp bơm Lại Dụ.

Các khách hàng này được Công ty Điện lực Hoài Đức tiếp nhận nguyên trạng gồm lưới điện hạ thế, hệ thống đo đếm điện năng, từ Hợp tác xã Nông nghiệp Lại Dụ vào tháng 3/2014.

Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Hoài Đức có cải tạo tối thiểu đường trục hạ thế. Các khách hàng mua điện đều có ký lại hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện Hoài Đức. Các khách hàng sử dụng điện tại khu vực này hàng tháng đều thanh toán tiền điện đúng thời hạn.

“Công ty Điện lực Hoài Đức đã thực hiện ký hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam… Trong trường hợp các hợp đồng khách hàng vi phạm trật tự xây dựng có thông báo từ chính quyền địa phương, Công ty Điện lực Hoài Đức thực hiện theo văn bản 4608/BCT-ĐTĐL về việc hướng dẫn ngừng cấp điện theo quy định của Luật Xây dựng ngày 27/5/2016 của Bộ Công Thương”, ông Bình cho hay.

Cận cảnh trạm biến áp cung cấp điện sản xuất tại "cụm công nghiệp" Lại Dụ không phép.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng, ông Vũ Ngọc Mừng, Phó chủ tịch UBND xã An Thượng lại khẳng định: Trạm biến áp bơm Lại Dụ thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Lại Dụ hoạt động với chức năng duy nhất là cung cấp điện cho trạm bơm thôn Lại Dụ để phục vụ mục đích tưới tiêu đồng bãi, cây ăn quả, cây nông nghiệp… không hề có hợp đồng mua bán điện đối với các hộ sản xuất kinh doanh.

UBND xã An Thượng đã tiến hành lập hồ sơ vi phạm lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng công trình, nhà xưởng… vi phạm pháp luật đê điều với gần 40 trường hợp vi phạm tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép. Và hồ sơ vi phạm của gần 40 trường hợp này đã được UBND xã An Thượng gửi tới UBND huyện Hoài Đức.

Việc ký hợp đồng mua bán điện của các hộ vi phạm lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng công trình, nhà xưởng… với Công ty Điện lực Hoài Đức, chính quyền xã An Thượng không hề có chủ trương hay sự đồng ý.

Sự việc trên diễn ra giữa các hộ mua điện với bên bán điện là Công ty Điện lực Hoài Đức, UBND xã An Thượng không tham gia.

Trạm biến áp cho một hộ sản xuất công nghiệp.

Liên quan tới thông tin mà ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Công ty Điện lực Hoài Đức (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) cung cấp “Trong trường hợp các hợp đồng khách hàng vi phạm trật tự xây dựng có thông báo từ chính quyền địa phương, Công ty Điện lực Hoài Đức thực hiện theo văn bản 4608/BCT-ĐTĐL về việc hướng dẫn ngừng cấp điện theo quy định của Luật Xây dựng ngày 27/5/2016 của Bộ Công Thương”, chúng tôi đã liên hệ với bà Đồng Thị Nga, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Hoài Đức.

Qua điện thoại, PV có hỏi bà Nga về danh sách hồ sơ vi phạm của gần 40 trường hợp do UBND xã An Thượng lập, gửi tới UBND huyện Hoài Đức, đã được thông báo tới Công ty Điện lực Hoài Đức theo đúng quy định quản lý của nhà nước hay chưa? Bà Nga cho biết, bà tiếp nhận thông tin và sẽ trả lời lại Báo Đại Đoàn Kết sau.

Đáng chú ý, trong buổi làm việc với Giám đốc Công ty Điện lực Hoài Đức (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội), khi PV đặt câu hỏi “Việc ký hợp đồng mua bán điện đối với các hộ sản xuất tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép thông qua Trạm biến áp bơm Lại Dụ, vốn chỉ được cung cấp điện để phục vụ đồng bãi, cây ăn quả, cây nông nghiệp… là đúng hay sai so với quy định”, ông Bình không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Duy Giang, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho hay: “Cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép hình thành trên cơ chế tự phát của người dân xã An Thượng.

Thực trạng tồn tại của “cụm công nghiệp” Lại Dụ trên vùng đất bãi ven sông Đáy sẽ liên quan trực tiếp tới hành lang an toàn đê điều và lưới điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung quanh việc cấp điện cho 'cụm công nghiệp' Lại Dụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO