Xung quanh vụ bạo hành trẻ em tại Bắc Ninh: Xử lý nghiêm những cơ sở sử dụng lao động trẻ em

Khanh Lê 24/11/2020 08:00

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo rà soát tình hình sử dụng lao động chưa đến tuổi lao động trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Nạn nhân nghi bị bạo hành.

Ngày 23/11, liên quan đến vụ việc chủ quán bánh xèo tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Thị Ánh Tuyết có biểu hiện bạo hành nhân viên trong quán, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình sử dụng lao động chưa đến tuổi lao động trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm minh vụ bạo hành

Trước đó, ngày 22/11, báo chí phản ánh 2 nam nhân viên khoảng 15, 21 tuổi tại một quán bánh xèo ở Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nghi bị chủ quán hành hung dã man trong thời gian dài. Trên cơ thể của cả 2 có nhiều vết bầm tím ở chân, tay và mặt, đặc biệt vết thương trên tay phải khâu 3 mũi.

Nhận tin báo của quần chúng, Công an huyện Yên Phong đã mời 2 vợ chồng chủ quán lên làm việc. Ngay sau đó, Công an huyện Yên Phong đã ra quyết định tạm giữ khẩn cấp đối với nữ chủ quán để tiếp tục làm rõ hành vi bạo hành người dưới 16 tuổi.

Trao đổi với báo chí, Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Cục Trẻ em đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc.

Cũng theo Cục Trẻ em, Sở LĐTB&XH Bắc Ninh đã làm việc với UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và đại diện UBND xã Yên Trung (nơi xảy ra vụ việc) để xác minh thông tin, bàn các giải pháp can thiệp, hỗ trợ các cháu. Cùng với đó, các ngành công an, LĐTB&XH, y tế đã tích cực vào cuộc để thực hiện chức năng theo thẩm quyền (Công an huyện Yên Phong thụ lý, đã tạm giữ chủ quán để tiếp tục điều tra làm rõ). Bước đầu hai vợ chồng chủ quán đều khai nhận những hành vi bạo hành với những người giúp việc trong quán;

Cậu bé giúp việc đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Phong điều trị những vết thương, hiện tại cháu đã ổn định, có thể giao tiếp với mọi người xung quanh. Sở LĐTB&XH đang hướng dẫn Phòng LĐTBXH huyện Yên Phong tiến hành đánh giá nguy cơ, lập kế hoạch hỗ trợ cháu, cử Ban bảo vệ trẻ em cấp xã phân công cán bộ trực tiếp bảo vệ.

Nhiều lỗ hổng về quản lý

Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bóc lột sức lao động, từ năm 2011 đến nay Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều chính sách, chương trình, hành động. Điển hình như: Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 nhằm phát hiện sớm và can thiệp hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ, trong đó có các trường hợp trẻ em bị ép buộc lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em bị xâm hại tình dục... Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được chú trọng.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH năm 2019, tổng số trẻ em toàn quốc là 26,37 triệu, trong đó có tới 1,442 triệu trẻ em bị bóc lột (bao gồm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật). Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, trong đó năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, việc thực thi chính sách bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột sức lao động gặp nhiều khó khăn do nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động và người môi giới lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em.

“Vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn hạn chế từ Trung ương tới địa phương. Một số địa phương không phân bổ hoặc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp để triển khai thực hiện chương trình. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, do vậy việc triển khai, thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn”- Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung quanh vụ bạo hành trẻ em tại Bắc Ninh: Xử lý nghiêm những cơ sở sử dụng lao động trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO