Xuôi ngược đường trần

Ngô Thảo 17/09/2017 07:30

Câu thơ của Bùi Giáng: Có khi lỡ hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm, ùa vào trí nhớ đã sa sút của tôi khi cầm trên tay cuốn Tự truyện Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt ra mắt tại Thư viện Hà Nội sáng 7/9 của chị Trần Tố Nga.


Tác giả Trần Tố Nga.

Nói vậy, vì từ mùa thu năm 1960, chúng tôi đã cùng vào năm thứ nhất Trường Đại học Tổng hợp ở 27 Lê Thành Tông (Hà Nội), giữa chúng tôi có khá nhiều bạn chung, những Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân, Trần Tiến- Chu Cẩm Phong, Ngô Ngọc Bích Tiên, Hồ Hoa…, Nhưng phải 50 năm sau, khi chúng tôi, gồm Nguyễn Hồ, Nguyễn Duy, Đào Anh Dũng, Nguyễn Hửu Tuấn qua Pháp làm bộ phim ký sự nhiều kỳ Đi tìm dấu tích ba Vua, về ba vị Vua vì chống Pháp mà bị lưu đày là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân mới lần đầu được gặp, khi chị cùng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Giao - Chị Thiện, ra sân bay đón và tình nguyện làm người dẫn đường trong gần một tháng, đi nhiều địa điểm trên đất Pháp, tiếp xúc để phỏng vấn nhiều nhân vật đã trở thành lịch sử, rồi bay sang đảo La Réunion của châu Phi để tìm tư liệu của ba vị vua yêu nước. Sự am hiểu của chị về lịch sử hai nước, quan hệ gần gũi của chị với các nhân vật trí thức và chính khách Pháp làm tụi nhà quê chúng tôi khâm phục.

Công việc làm phim bận rộn, chuyện riêng tư nghe kể cũng chỉ gọi là, lại còn trực tiếp chứng kiến những công năng có phần dị biệt của một cao nhân, những ngày gần gũi, nhìn người phụ nữ không thật khỏe mạnh mà có sức làm việc phi thường, tôi chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu “Cánh buồm xưa kiêu hãnh gạt cuồng phong”…

Mười năm qua, gặp chị trong nhiều dịp đi về, nhưng là người như có phép màu, nhiều điều thuộc về cuộc đời của chị vẫn đầy bí ẩn, ngay cả với những người quen thân đã nhiều năm. Mấy tuần trước, ở Sài Gòn, cùng nhà văn Nguyễn Hồ, gặp nhau, nghe nói đến tự truyện chị vừa hoàn thành. Vậy mà đầu tháng 9 sách đã kịp ra mắt ở Sài Gòn rồi Hà Nội. Sự tận tâm và nhiệt tình của các bạn ở Nhà xuất bản Trẻ thật đáng trân trọng. Mà vội vàng là phải, vì ngay sau khi ra mắt sách ở Hà Nội, chị phải trở về Pháp để chuẩn bị cho phiên Tòa pháp lý quốc tế về di hại chất độc da cam sẽ mở phiên thứ 9 ở Paris vào cuối tháng này.

Cũng như cuốn “Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi” chị viết bằng tiếng Pháp, năm trước đã bán được 800 bản để gây quỹ chi phí cho vụ kiện, cuốn tự truyện lần này cũng dùng toàn bộ số tiền bán sách góp cho quỹ. Trong vụ kiện về chất độc da cam này, chỉ một mình chị là nguyên đơn, vì chị là người trực tiếp bị nhiễm độc, lại là công dân Pháp, nên theo luật của nước Pháp chị được bảo vệ để khởi kiện.

Công việc nhọc nhằn, tốn kém sức lực và cả tiền của này đã được bắt đầu từ gần mười năm trước, khi chị được mời làm nhân chứng trong phiên tòa của Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam mở tại Paris. Năm 2004, Hội nạn nhân chất độc dioxin VN đã chính thức khởi kiện 37 công ty hóa chất Mỹ với những bằng chứng không thể phủ nhận. Vụ kiện được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kéo dài cả năm trời, nhưng cuối cùng vẫn bị Tòa án Mỹ bác bỏ, khi viện dẫn những điều luật rắc rối của họ. Những hy vọng cuối cùng của nạn nhân da cam VN bị dập tắt một cách tàn nhẫn. Và đó là khi, tận dụng những lợi thế của một công dân Pháp bị nhiễm chất độc da cam chị bắt đầu khởi kiện.

Trần Tố Nga không kiện cho cá nhân, mà muốn tạo một án lệ, vì quyền lợi của 4 triệu nạn nhân chất độc da cam của cả nước, mà không chỉ của VN. Có 26 công ty bị kiện, nhưng cho đến nay, chỉ có 19 công ty- mỗi công ty cử 2 Luật sư đại diện tranh tụng- nghĩa là 3 sẽ chọi lại 38 trong phiên Tòa tranh tụng đầu tiên sắp mở. Một bi kịch đau lòng, là bản thân chị, nhiều năm bị nhiều bệnh tật không thể gọi tên, cuối cùng cũng đã phát hiện ra bệnh ung thư, vậy là chị mang 4 trong số 17 chứng bệnh mà chính quyền Mỹ đã chính thức thừa nhận là có thể có liên quan đến chất độc da cam. Nguyên đơn sẽ đem chính mình làm nhân chứng.

Khi phát hiện mình bị K, trong thời gian chuẩn bị sức khỏe để chịu đựng ca phẫu thuật, mà kết quả không ai dám bảo đảm thành công, sợ trí nhớ sẽ suy tàn, sợ bao điều mình chiêm nghiệm và từng trải, con cháu, bạn bè và hậu thế không biết, chị bắt tay vào viết “Đường trần”. Với bản tính cẩn trọng về câu chữ của một nhà báo, lại có nhiều năm làm nhà giáo, chị đặt thêm “Ngọn lửa không bao giờ tắt”. Trước khi lên bàn mổ vào tháng 5, chị đã cơ bản hoàn thành tự truyện. Vừa xong mấy đợt hóa trị, xạ trị cần thiết, chị bay ngay về nước để mong cuốn sách được ra mắt trước khi phiên tòa bắt đấu.

Cha mẹ Trần Tố Nga là một đôi trai tài gái sắc nổi tiếng. Cuộc tình duyên của họ không dễ dàng vì gặp sự phản đối của hai gia đình. Nhưng tình yêu đã thắng. Cả hai đã tới với cách mạng theo những con đường khác nhau. Đầu kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, tình hình các lực lượng, phe phái khá phức tạp. Cha chị được tổ chức bố trí vào làm lính trong quân đội Liên hiệp Pháp, trước khi mất là Quận trưởng nhưng là tay trong cho ta đánh đồn. Ông về nhà thì bị sốt phát ban rồi mất sớm (1947). Phải 50 năm sau, mới có một vị tướng, người từng tổ chức cho ông vào hoạt động trong hàng ngũ quân đội Pháp xác minh.

Lúc ông mất, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Tú mới 24 tuổi với một nách 4 đứa con thơ. Vừa lo nuôi con, vừa tham gia hoạt động. Năm 1954, tổ chức phân công bà ở lại, trong khi ông Tạ Bá Tòng, người chồng sau của bà đi tập kết. Do nhiều hoạt động yêu nước, bà bị tù, bị giam giữ ở nhiều nơi, cuối cùng bị đưa ra Côn Đảo. Năm 1960, trong cao trào Đồng khởi, kẻ địch buộc phải thả 3.000 tù chính trị, trong đó có nhiều trí thức. Vừa ra tù, bà vượt thoát vào chiến khu.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN ra đời, bà được cử làm Ủy viên Trung ương, sau đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng Sài Gòn- Gia Định. Năm 1967, bà mất tích trong trận càn Cedar Fall của địch vào căn cứ Mặt trận. Mãi 40 năm sau, gia đình mới tìm được di hài bà bị trói trong tư thế ngồi. Chính sợi dây vô tri chưa kịp phân hủy và tư thế bị chôn ngồi đã là chứng tích hùng hồn nói với hậu thế về cuộc chiến đấu kiên cường của người bà. Nhưng giữa 40 năm im lặng ấy, có biết bao nghi ngờ và đồn đại ác ý được thêu dệt, đổ bóng vào cuộc sống của lớp con cháu, cũng toàn những người đã tham gia công tác cách mạng từ rất sớm.

Trong những trang đầu, tác giả viết: “Ôm đứa cháu mới sanh vào lòng, bà ngoại chép miệng: Tội nghiệp cháu tôi, đã mang tuổi Ngọ (1942) còn sanh đúng vào giờ ngựa kéo xe (sáng sớm), số của con rồi cũng sẽ phải gánh nặng chuyện đời, chuyện thiên hạ thôi, con à. Lời tiên tri của bà về số phận của tôi thật đúng. Con đường trần tôi đã đi qua thật lắm gian nan, đầy chông gai, cạm bẫy,định kiến, có tốt, có xấu, hay và dở, với những hạnh phúc ngắn ngủi chen lẫn nhiều cay đắng. Tôi đã đi gần hết con đường đó như một con người, một chiến sĩ, đã làm được những việc có ích cho cuộc đời,đã gắng sống đúng theo những giá trị được nuôi dạy và được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ tôi”.

Cũng do hoàn cảnh ấy, mà những ngày Trần Tố Nga được sống với gia đình là không nhiều. Trong nhiều hoàn cảnh, hình bóng lý lịch gia đình đã làm đổi hướng đường đi nước bước, lẽ ra đã khác của chị. Nhưng với khí chất cứng rắn, giàu lý tưởng, khi được đưa ra Bắc, đi học các trường học sinh miền Nam, cấp 3 Nguyễn Trãi, do không được đi học nước ngoài, nên chọn vào Khoa Hóa ĐH Tổng hợp.

Khi ra trường, đáng lẽ làm nghiên cứu sinh, chị lại chọn con đường về Nam chiến đấu. Những trải nghiệm cuộc đời được ghi lại một cách khách quan, với lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất có thể, nhưng nhiều chỗ cũng làm người đọc dừng lại trên trang sách mà suy ngẫm về tình người và thời thế một thưở: nỗi thất vọng trẻ con khi lần đầu từ chối một sự tỏ tình mà bị bôi bẩn cả nhân cách và lý lịch nên không được đi học nước ngoài đến nỗi định đâm vào ô tô ở Bờ Hồ, rồi dầm mình xuống dòng sông Đuống đang chảy xiết.

Sự kiện ấy đã làm thay đổi tính cách một cô gái con nhà khá giả, được nuông chiều, chọn con đường lý tưởng, với quyết tâm lội ngược dòng, biết nuốt nước mắt vào trong, phải cắn răng mà sống. Những ngày vượt Trường Sơn, chị đã làm được điều đó. Là thân gái, nhưng luôn tự chủ, không làm phiền ai. Khi vào chiến trường, công việc không như ý, vẫn luôn làm thật tốt những gì có thể.

Trước bao ngang trái, thị phi, có khi nhìn nhau một cách cay nghiệt, chị vẫn chịu đựng để tin tưởng vào ngày mai. Trong một nghĩa nào đó, tác giả thấy hình như cũng là may, khi bà không phải chứng kiến nhiều điều không như ý mà cuộc sống thời hậu chiến đã diễn ra. Với bao người đã bằng cách này cách khác, ủng hộ, tham gia vào cuộc chiến đấu để có ngày chiến thắng thật trọn vẹn, tiếp quản một thành phố lớn không bị tàn phá, hình như những người chiến thắng đã vội quên. Tâm trạng này là có thật ở những người có gốc gác ở miền Nam, với bao sợi dây huyết thống chằng chịt, một nhà mà con cháu ở cả hai phía...

Trần Tố Nga cũng là người lănh đủ những hệ lụy của một thời đó. Làm tốt mọi việc trong chiến tranh, kiên cường và vững vàng trong lao tù, mang bầu, rồi sinh con trong thời gian bị giam giữ. Nhưng công việc sau giải phóng không thể hòa nhập. Tự bật ra khỏi hệ thống cán bộ, xin về làm công tác giáo dục. Xây dựng được ba cơ sở giáo dục khá thành công: Hiệu trưởng trường Lê Thị Hồng Gấm, Hiệu trưởng trường Marie Curie, rồi Sư phạm Kỹ thuật, nhưng ở đâu như cũng sống trên chông gai của nghi ngờ và dư luận. Mới tuổi 50, chị xin về hưu non. Và hình như đây mới là lý do để cuốn sách có phụ đề “Ngọn lửa không bao giờ tắt”.

...Là người từng quan hệ công tác và gần gũi nhiều nhân vật lịch sử quan trọng, nhưng cũng như trong cuộc sống, trong tự truyện, chủ yếu chị chỉ viết về những con người bình thường, đa số là những người thân gần gũi. Và còn khá nhiều những điều mà tác giả thấy không nên, không nỡ, không muốn, không cần phải kể lại. Trong sáng và chừng mực, nhưng cũng đủ làm cho cuốn sách hấp dẫn, bởi đó là sự thật đất nước những năm chiến tranh và số phận những con người cụ thể đã góp sức mình giữ cho ngọn lửa của lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước không bao giờ tắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuôi ngược đường trần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO