Y án sơ thẩm vụ Đường Nhuệ 'bảo kê' tiền hỏa táng tại Thái Bình

b.phúc (tổng hợp) 24/05/2022 15:19

Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn đã dùng nhiều thủ đoạn trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc 25 cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu.

Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN.

Ngày 24/5, tại tỉnh Thái Bình, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 2 bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ", 51 tuổi, trú tại tổ 11, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) và Nguyễn Khắc Nin (43 tuổi, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là 2 trong số 7 bị cáo trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến hoạt động dịch vụ hỏa táng do Nguyễn Xuân Đường cầm đầu có đơn kháng cáo. Nguyễn Xuân Đường kháng cáo vì cho rằng bị oan, không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” như truy tố; bị cáo Nguyễn Khắc Nin kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa, tất cả 25 bị hại là chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều vắng mặt.

Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tiếp tục không thừa nhận hành vi phạm tội cũng như bản cáo trạng số 44/CT-VKSTB ngày 24/6/2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình và bản án của phiên xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 18/11/2021.

Bị cáo Nguyễn Khắc Nin thành khẩn khai báo, xin giảm nhẹ hình phạt do có yếu tố thân nhân gia đình (có bố đẻ là bệnh binh) theo Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, tại phiên tòa, các bị cáo cũng không đưa ra được những chứng cứ mới phù hợp với nội dung kháng cáo.

Hội đồng xét xử phúc thẩm khẳng định bản án của Hội đồng xét xử sơ thẩm là có căn cứ, đã đánh giá đúng người, đúng tội, xem xét các chứng cứ, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với 2 bị cáo trên vì cho rằng hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, làm người dân trên địa bàn hoang mang. Bị cáo Nguyễn Xuân Đường mức án 15 năm tù; bị cáo Nguyễn Khắc Nin 12 năm tù.

Theo cáo trạng, lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty trách nhiệm hữu hạn Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc, từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Đường đã dùng nhiều thủ đoạn trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc 25 cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu.

Nguyễn Xuân Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.

Với mỗi ca hỏa táng, vợ chồng Đường cùng đàn em yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỏa táng phải nộp về 500.000 đồng; nếu không chấp hành sẽ bị nhóm này chặn xe, đánh đập và cắt địa bàn hoạt động.

Bằng những thủ đoạn này, nhóm của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường cùng đàn em đã chiếm đoạt của 25 bị hại tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Nguyễn Khắc Nin đóng vai trò là đồng phạm của Nguyễn Xuân Đường. Dù không được chia tiền cưỡng đoạt nhưng vì muốn có tiếng là đàn em của Nguyễn Xuân Đường để việc kinh doanh dịch vụ taxi được thuận lợi nên Nin đã giúp Đường tổ chức cuộc họp, thông báo với các chủ dịch vụ tang lễ phải báo số ca và nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng cho Đường.

Ngoài ra, bị cáo này còn cùng Ninh Đức Lợi (48 tuổi, trú tại tổ 8, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình) cố ý gây tai nạn để chặn xe hỏa táng của dịch vụ Tân Đại (thành phố Hải Dương), từ đó giúp Đường ngăn không cho các cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn Thái Bình, gián tiếp đe dọa các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ ở tỉnh.

Liên quan đến vụ án này, tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 18/11/2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt vợ chồng Nguyễn Xuân Đường cùng 5 đàn em khác đóng vai trò đồng phạm tổng mức án 81 năm tù giam cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đường Nhuệ cầm đầu đường dây bảo kê dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.

Đường "Nhuệ" quê quán xã Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình). Cuối năm 2007, sau khi đi lao động tự do tại Liên bang Nga về địa phương, Đường thường xuyên có biểu hiện tụ tập một số đối tượng không có công ăn, việc làm, gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Năm 2008, Đường kết hôn với Nguyễn Thị Dương (quê xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình). Sau khi cưới, vợ chồng Đường "Nhuệ" bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản.

Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình, qua rà soát từ năm 2010 đến năm 2020, lực lượng công an đã xử lý đối với 20 vụ, 12 đối tượng có mối quan hệ với Đường, Dương. Trong các vụ việc này, chủ yếu là do đàn em của Đường thực hiện, Đường không trực tiếp ra mặt nên việc đấu tranh, xử lý đối với Đường gặp nhiều khó khăn.

Với Dương, từ cuối năm 2010 đến năm 2020 Dương 3 lần đăng ký kinh doanh hộ cá thể, trong đó 2 lần ở TP Thái Bình và 1 lần ở Tiền Hải. Tất cả các lần đăng ký và hoạt động kinh doanh đều báo cáo không phát sinh doanh thu và thực hiện việc nộp thuế.

Ngày 6/2/2015, Dương thành lập Công ty TNHH MTV Đường Dương (tên đề là Công ty bất động sản), hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ và vốn pháp định là 6 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH MTV Đường Dương chưa thay đổi đăng ký kinh doanh và chỉ nộp tiền thuế môn bài hằng năm, ngoài ra không phát sinh doanh thu và các khoản thuế khác. Vợ chồng Đường Nhuệ tham gia các cuộc đấu giá tài sản, chủ yếu là đấu giá đất và đều lấy tư cách cá nhân.

Cuối năm 2017, vợ chồng Đường "Nhuệ" tự đứng ra thành lập cái gọi là "Hiệp hội tang lễ Thái Bình" và hoạt động có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.Vợ chồng Đường "Nhuệ" có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế như xây dựng nhà cao tầng, mua sắm xe ô tô và đồ gia dụng đắt tiền; sở hữu nhiều lô đất có giá trị ở các huyện, thành phố; hoạt động từ thiện, đóng phim đăng tải lên Youtube, tổ chức các sự kiện mời rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham dự.

Về hành vi cưỡng đoạt tài sản, núp bóng dưới hình thức hoạt động của "Hiệp hội tang lễ Thái Bình": Từ tháng 12/2017, bằng nhiều thủ đoạn đe doạ, gây rối, khống chế, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát – là công ty làm dịch vụ hoả táng cho Công ty cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (Nam Định) phải ngừng hoạt động tại Thái Bình.

Tiếp đó Đường cùng Lợi đã tìm cách thâu tóm địa bàn bằng cách tự tuyên bố là Chủ tịch cái gọi là "Hiệp hội tang lễ" (đã được các công ty dịch vụ tang lễ thành lập từ trước nhưng không xin phép chính quyền).

Đường đã đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ và tự ý đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hoả táng, được gọi là hội phí và quỹ từ thiện, nhưng toàn bộ số tiền đó là do Đường thu và toàn quyền quyết định.

Bằng các hành vi đe doạ, cưỡng ép, Đường đã buộc các công ty hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải chấp nhận các quy định của chính mình. Do sợ bị trả thù, các công ty này không dám tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi của Đường.

Đến ngày 22/4/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội Cưỡng đoạt tài sản đối với Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và Ninh Đức Lợi.

Ngày 31/8/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố thêm 2 bị can vụ án gồm: Phạm Văn Úy (hiện bị can đang bị tạm giam để điều tra hành vi Giết người) và Nguyễn Khắc Nin.

Cuối tháng 9/2020, Công an tỉnh Thái Bình bắt thêm đối tượng Quách Việt Cường để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến vụ án này.

Ngày 30/11/2020, VKSND tỉnh Thái Bình trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình để điều tra bổ sung đối với vụ án hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 47 ngày 22/4/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Y án sơ thẩm vụ Đường Nhuệ 'bảo kê' tiền hỏa táng tại Thái Bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO