30% bệnh nhân được khám và điều trị bằng y học cổ truyền

Đức Trân - B.Ngân 06/09/2019 07:00

Trong 2 ngày 5 và 6/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đăng cai Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Me Kong lần thứ 9 với chủ đề “Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

30% bệnh nhân được khám và điều trị bằng y học cổ truyền

Việt Nam mong muốn khẳng định vai trò của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu, trong đó có 40-50 đại biểu từ các nước thuộc lưu vực vùng sông Me Kong, một số nước thuộc khối ASEAN, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đại biểu của Việt Nam.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai những nội dung được Hội nghị lần 8 năm 2017 tổ chức tại Yangun đề ra, đồng thời tiếp tục thảo luận những nội dung hợp tác về Y dược cổ truyền của các nước thuộc tiểu vùng sông Me Kong.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, phát triển nền y dược cổ truyền trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã trở thành một nội dung hoạt động quan trọng của các nước thuộc tiểu vùng sông Me Kong. Theo xu thế hiện nay, không chỉ các nước tiểu vùng sông Me Kong mà các nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu ứng dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên cùng các phương pháp chữa bệnh truyền thống không dùng thuốc trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân loại.

Theo ông Sơn, Việt Nam mong muốn khẳng định vai trò của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc củng cố, phát triển hệ thống y dược cổ truyền là một trong các mục tiêu cơ bản mà thời gian qua Bộ Y tế Việt Nam rất quan tâm. “Việt Nam và các nước trong tiểu vùng sông Me Kong đều có nền y dược cổ truyền lâu đời. Nền y dược cổ truyền đó đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các nước trong tiểu vùng sông Me Kong cần tiếp tục tích cực đầu tư và chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc kế thừa, bảo tồn và nghiên cứu phát triển nền y dược cổ truyền; Kết hợp các thành tựu của y dược cổ truyền với các thành tựu, những kiến thức của khoa học hiện đại để phát triển một nền y học hiệu quả, an toàn và bền vững”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện Việt Nam có hệ thống bệnh viện y dược công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh là 65 bệnh viện, với trên 1.000 huyện và trên 11.000 xã, phường có hệ thống bệnh viện y dược cổ truyền công lập tuyến Trung ương và 65 bệnh viện tuyến tỉnh. Tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền đạt 92,7%. Trạm Y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam. Tại các địa phương, cũng đã chủ trương bố trí cán bộ chuyên trách về công tác y học cổ truyền tại các Sở Y tế; số cán bộ chuyên trách tại tuyến huyện tăng lên rõ rệt với tỷ lệ 9,06%. Bên cạnh hệ thống công lập, hệ thống ngoài công lập còn kể đến trên 12.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền do các bác sĩ, y sĩ, lương y, người có bài thuốc gia truyền. Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền.

Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền. Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực y dược cổ truyền cũng đã bước đầu được kiện toàn theo hướng phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập khu vực, thế giới; tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn lưu trữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực y dược cổ truyền; công tác hợp tác quốc tế cũng được chú trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của y học cổ truyền nước ta ngày càng có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Vũ Khánh- Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam có hệ thực vật đa dạng, phong phú xếp hạng thứ 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của khoảng 16% các loài trên thế giới, với gần 16.000 loài thực vật đã được tìm thấy trong cả nước, trong đó có 10% là loài đặc hữu. Hệ thống tổ chức nhân lực về y dược cổ truyền từng bước được củng cố đứng đầu là Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có chức năng quản lý và phát triển dược liệu. Các địa phương đã thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chuyên trách về công tác y học cổ truyền tại các Sở Y tế. Số cán bộ chuyên trách tại tuyến huyện tăng lên rõ rệt, đạt 9,06%.

Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh y dược cổ truyền ngày càng phát triển. Cùng với hệ thống công lập, hệ thống ngoài công lập còn có trên 12.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền do các bác sĩ, y sĩ, lương y, người có bài thuốc gia truyền.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực y dược cổ truyền; hợp tác quốc tế được chú trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của y học cổ truyền nước ta ngày càng có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Me Kong lần thứ 9, nhiều hoạt động được tổ chức như trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông; khai mạc triển lãm y, dược cổ truyền các nước lưu vực Me Kong; Hội thảo về các chính sách hỗ trợ phát triển Y dược cổ truyền; giới thiệu các phương pháp chữa bệnh Y học cổ truyền dân gian của các nước trong khu vực; Hội thảo Học thuật quốc tế Y học cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    30% bệnh nhân được khám và điều trị bằng y học cổ truyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO