Yêu cầu công bố biểu đồ chạy tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

21/10/2020 18:30

TP Hà Nội vừa có quyết định về việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông.

Ngày 19/10, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND về Ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Hà Nội bất ngờ yêu cầu công bố biểu đồ chạy tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Quyết định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A sẽ có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2020.

Quyết định yêu cầu, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Ha Noi) có trách nhiệm ban hành biểu đồ chạy tàu tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông để tổ chức triển khai thực hiện và gửi cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có hiệu lực thi hành.

Theo quyết định này, đơn vị vận hành, khai thác tuyến phải công bố rộng rãi biểu đồ chạy tàu. Cùng với đó, Metro Ha Noi có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của đơn vị, tại các ga để hành khách và người dân nắm được.

Với thủ tục làm vé cho hành khách đi tàu, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 54 Luật Đường sắt; giá vé vận tải hành khách trên đường sắt đô thị do UBND thành phố Hà Nội quy định; được niêm yết tại các ga đường sắt và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của Metro Ha Nọi trước thời điểm triển khai thực tế.

Đến nay dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm, gần chục lần dự định vận hành nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức.

Việc miễn, giảm giá vé cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị thực hiện theo Luật Đường sắt, Chương V Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ, các quy định hiện hành có liên quan và quy định của thành phố.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ GGTVT làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.

Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà – Láng - ĐH Quốc gia - vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông – trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới, và khu Derpot tại Ba La (Hà Đông).

Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019.

Sau 11 năm phê duyệt, 9 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức. Lý do được đưa ra, do dự án chưa thể nghiệm thu và các đoàn tàu chưa được kiểm định an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu cầu công bố biểu đồ chạy tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO