Bà Vũ Thị Mai 56 tuổi ở Hải Dương, mệt mỏi trong người nên ra tiệm thuốc mua một chai dịch về nhà nhờ người truyền hộ.
10 phút sau khi truyền dịch, bà Mai cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Người nhà vội vàng rút kim truyền và đưa bà đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu ngày 27/9.
Các bác sĩ cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ 3, tiên lượng nặng. Bác sĩ tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí sốc phản vệ, thở oxy, truyền dịch cho bệnh nhân. Hai ngày sau, sức khỏe của bà Bai mới ổn định.
Gia đình cho biết, bà Mai vốn thể trạng ốm yếu, đã từng tự truyền dịch tại nhà, lần này không may xảy ra sự cố.
Bà Mai đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ khuyến cáo, truyền dịch là biện pháp cấp cứu, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện. Loại dịch truyền, tốc độ truyền phải do bác sĩ chỉ định tùy tình trạng của bệnh nhân. Quá trình tiêm truyền cần được tiến hành tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Việc tiêm truyền dịch tại nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tai biến nặng nhất là có thể tử vong do sốc phản vệ, nhẹ thì nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được tự ý tiêm, truyền dịch tại nhà.