Chính phủ một số nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ cùng một số công ty lớn như Ikea hiện đang ủng hộ một kế hoạch cung cấp 10 tỷ bóng đèn siêu hiệu suất trên toàn thế giới nhằm giảm thiểu khoảng 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các bóng đèn thường.
Ảnh minh họa.
Sự phối hợp giữa hai khu vực công và tư nhân này nhận được sự hoan nghênh, trong đó Ấn Độ sẽ bán ra 800 triệu bóng đèn LED từ nay đến năm 2019, trong khi Trung Quốc cam kết bán ra 5 tỷ bóng đèn LED từ nay cho đến năm 2018. Hãng Ikea - công ty đồ gia dụng đa quốc gia của Thụy Điển, cũng cam kết bán 500 triệu bóng đèn LED cho các khách hàng của họ từ nay đến năm 2020.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernes Moniz cũng cho hay, Mỹ sẽ tham gia vào dự án đang được 13 nền kinh tế lớn ủng hộ này - trong đó gồm Australia, Anh và Mexico.
Được biết, đèn chiếu sáng chiếm tới 15% tổng lượng điện năng mà toàn thế giới tiêu thụ, tức nhiều hơn mức mà tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới có thể sản xuất. Mức tiêu thụ dành cho chiếu sáng dự kiến sẽ tăng 50% trong năm 2030, khi dân số thế giới tăng, mức độ đô thị hóa tăng và 1,2 tỷ người hiện đang sống thiếu điện sẽ được tiếp cận mạng lưới điện.
Chuyển đổi từ các loại đèn sợi đốt sang đèn LED có thể giúp giảm tiêu thụ khoảng 735 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tương đương lượng khí thải của 250 nhà máy điện sử dụng than đá trên toàn thế giới.
Ikea, doanh nghiệp đã thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng của mình sang đèn LED kể từ hồi tháng 9 năm nay, nói rằng họ hy vọng sự đóng góp cho dự án sẽ có thể tiết kiệm được lượng điện năng đủ để cung cấp cho nửa triệu hộ dân mỗi năm. Một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng và điện tử như Philips, Osram, Cree và Enervee cũng đã đưa ra các cam kết riêng trong việc ủng hộ dự án đầy tham vọng này.
Một trong những ví dụ điển hình về lợi ích của việc sử dụng bóng đèn LED chính là Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm qua, việc sử dụng bóng đèn LED ở các hộ gia đình Mỹ đã tăng gấp 6 lần, tiết kiệm được 1,4 tỷ USD trong các hóa đơn điện trong năm ngoái.