Sức ép ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt là vẫn phải chịu tải một bề mặt công trình cũ kỹ. Cấp nước, thoát nước, lọc nước- ba lĩnh vực sống còn đang đòi hỏi một cuộc cách mạng 4.0 thực sự, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ phát triển đô thị nhanh và mạnh. Tuy nhiên, đầu tư sao cho hiệu quả, đang là bài toán nan giải với ngành nước.
Nước sạch đến với người dân.
Thất thoát nước sạch ở mức cao
PGS TS Trần Đức Hạ- viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, hiện nay ở Việt Nam, từ 57% đến 90% dân số đô thị đã và đang được cấp nước sạch tập trung.
Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân được tiếp nhận nước sạch khá thấp, chỉ đạt từ 50% đến 60%, có nơi dưới 40%.
Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát nước sạch vẫn ở mức cao trung bình 23,5% năm 2014 và 2015. Năm 2016 là 24%. Đây chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nước không chỉ ở các thành phố lớn.
“Hệ thống đường dẫn xuống cấp. Nhiều công trình có từ thời 80 thế kỷ trước vẫn tiếp tục chịu tải nguồn nước cung cấp. Nhà nước và doanh nghiệp trong những năm trở lại đây tuy có đầu tư vào hạ tầng cấp nước, song nguồn kinh phí có hạn nên chỉ mới tập trung một phần ở đô thị đông dân. Vùng nông thôn và ngoại thành tại nhiều địa phương vẫn chịu khát. Thất thoát nước sạch là vấn đề nghiêm trọng”- ông Trần Đức Hạ nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu tại một số xí nghiệp nước sạch tại Hà Nội, hiện nay, công nghệ cấp nước đã được đầu tư hiện đại, tuy nhiên hệ thống dẫn nước nhiều quận huyện vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống cũ, thậm chí cả ở thời Pháp thuộc.
Kể cả những hệ thống nước do Phần Lan tài trợ qua chục năm cũng đã xuống cấp. Chính vì vậy thất thoát nước hiện nay ở ngưỡng xấp xỉ 22%/năm.
Nhiều hệ thống đường ống bịt chỗ nọ, dò chỗ kia. Nhiều đường ống vỡ tới chục lần. Phương án chỉ là khắc phục, còn thay thế mới hoặc xây dựng đường nước mới thì thiếu kinh phí.
Tình trạng thiếu nguồn nước cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp cung ứng nước trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, giếng khai thác nước ngầm suy giảm từ 4% đến 6%/ năm. Nguồn nước Sông Đà cung cấp cho mạng cấp nước chỉ đạt bình quân từ 36.000m3/ngày đêm, lại thường xảy ra sự cố, trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng từ 2-3% do phát triển dân số cơ học, phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều thời điểm trong năm lượng nước thiếu hụt 10-15%, tương đương 40.000-60.000m3/ngày đêm. Ứng phó thiếu nước và hao hụt nước thực sự là cấp bách.
Thoát nước và xử lý nước thải chưa tương xứng
Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm ngành nước được đầu tư khoảng 250 triệu USD cho thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Tuy nhiên chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý.
40% lượng nước thải công nghiệp, y tế được xử lý. Còn khoảng hơn 5.000 làng nghề trên toàn quốc chưa có trạm xử lý nước thải… Môi trường sống đang bị đe dọa.
“Cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống thoát nước đô thị xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau nên không hoàn chỉnh và đồng bộ. Cống không đủ, hồ bị san lấp, trạm bơm không đủ công suất, và những diễn biến khó lường từ biến đổi khí hậu như nước sông dâng cao, xâm thực mặn… khiến cho thoát nước và xử lý nước thải gặp vô vàn khó khăn. Nguồn tiền đầu tư lớn nhưng vì sao chưa tương xứng?”- câu hỏi của Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA).
Theo PGS TS Trần Đức Hạ, Việt Nam thiếu một cuộc cách mạng 4.0 thực sự khi ngành nước cần một nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất…
Ở đây, tuy có đầu tư, nhưng chưa thực sự tích tụ công nghệ, bên cạnh đó, kinh phí đầu tư dàn trải, do thực tế phát sinh luôn phải ứng phó. Theo đánh giá của đại diện Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng nước 4.0 ở Việt Nam ở mức thấp. Thách thức cho ngành nước trong nhiều năm tới, với Việt Nam, là không nhỏ.
“Trên thế giới, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải thông minh 4.0 với ứng dụng hệ thống SCADA để nâng cao năng lực quản lý, điều hành đã rất phổ biến. Song ở Việt Nam, công nghiệp 4.0 ngành nước mới chỉ là lý thuyết, khi thực hành được áp dụng một phần rất nhỏ. Nếu không thay đổi, sẽ có ít cải thiện thực tế hiện nay”- ông Klaus Durbeck, đại diện Hợp tác quốc tế Đức cho biết.
Theo kế hoạch, mục tiêu của ngành là đến năm 2025, 95 - 100% dân cư được cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở đô thị dưới 15%.
Hệ thống thoát nước phục vụ 70% diện tích đô thị, 20 - 50% lượng nước thải được thu gom xử. 80% lượng nước thải ở các làng nghề có công nghệ xử lý hoặc tái sinh…