Để bảo vệ chính bản thân mình và người khác, ngoài việc bỏ hút thuốc, hãy thực hiện một vài thay đổi trong lối sống. Điều này sẽ giúp bạn khỏe mạnh, có cuộc sống lâu dài, chất lượng, ít gặp bệnh tật.
Theo Eathis/Health, ung thư phổi là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ hai ở nam giới và phụ nữ. Bệnh ung thư này đang là một trong những vấn đề ngày càng được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Trong khi ai cũng biết rằng hút thuốc là một yếu tố góp phần đáng kể dẫn đến bệnh ung thư phổi thì không phải ai cũng biết rằng cho dù bạn không hút thuốc nhưng có lối sống không lành mạnh thì cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Bởi vậy, để bảo vệ chính bản thân mình và người khác, ngoài việc bỏ hút thuốc, hãy thực hiện một vài thay đổi trong lối sống. Điều này sẽ giúp bạn khỏe mạnh, có cuộc sống lâu dài, chất lượng cuộc sống tốt cũng như ít gặp bệnh tật.
Dưới đây là những thay đổi trong lối sống mà bạn có thể làm ngay từ hôm nay để bảo vệ mình khỏi bệnh ung thư phổi nguy hiểm:
1. Từ bỏ hút thuốc
Từ bỏ hút thuốc lá ngày hôm nay chính là bạn đang đẩy lùi chẩn đoán ung thư phổi trong tương lai. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đến 80% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá, do đó, không có lý do gì để bạn chần chừ việc bỏ thuốc lá ngay bây giờ.
2. Tìm hiểu về lịch sử bệnh trong gia đình bạn
Trong khi nhiều trường hợp ung thư phổi có liên quan đến lối sống thì cũng có những yếu tố dẫn đến bệnh là do di truyền trong gia đình. Các đột biến di truyền trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và các vấn đề về hô hấp khác.
Do đó, hãy tìm hiểu để biết chắc chắn về lịch sử gia đình bạn. Nếu không may mắn, trong gia đình bạn trước đó có người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi (hay bất kì bệnh ung thư nào khác) thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp dự phòng tốt nhất.
3. Không dùng nến thơm
Một số gia đình dùng nến thơm để tạo mùi dễ chịu trong nhà hoặc đơn giản là để xua đi mùi khó ngửi nào đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nến thơm có chứa chất parafin góp phần làm ô nhiễm không khí trong nhà và tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi mỗi lần bạn thắp sáng.
4. Mang thiết bị bảo vệ nếu thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, chất độc hại...
Nếu công việc của bạn có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ, hóa chất độc hại... hãy chắc chắn mang trang bị bảo vệ thích hợp để phòng tránh bị ung thư phổi trong tương lai.
Các phi công, nhân viên nhà máy điện hạt nhân, kỹ thuật viên chụp X quang và một số thành viên của quân đội thường xuyên tiếp xúc với bức xạ càng cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp có thể làm giảm nguy cơ chẩn đoán ung thư phổi.
5. Không dùng sản phẩm làm mát không khí hay xịt phòng
Có thể bạn muốn làm cho nhà mình có mùi dễ chịu, mát mẻ hơn nhưng bạn có biết rằng những sản phẩm đem lại tác dụng này có thể có tác dụng ngược là tăng nguy cơ về sức khỏe hô hấp của những người hít thở bầu không khí đó.
Các nghiên cứu cho thấy các hóa chất tìm thấy trong nhiều chất làm tươi mát không khí có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của phổi, đặc biệt, chất VOCs trong nhiều sản phẩm làm mát không khí có thể góp phần làm nguy cơ ung thư phổi của bạn.
6. Cẩn thận khi sơn nhà, tường
Nếu bạn đang nghĩ đến việc làm mới ngôi nhà của mình bằng sơn lại tường thì hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với khói sơn đó càng tốt (nói cách khác là không hít mùi sơn mới).
Nhiều loại sơn chứa VOCs - một chất có liên quan đến ung thư phổi, vì vậy, ở trong một căn phòng chứa khói sơn (khi mới sơn) cũng có thể gây ra các vấn đề hô hấp trong ngắn hạn. Để hạn chế nguy cơ này, bạn nên mở cửa sổ, đeo khẩu trang trong khi sơn và chọn sơn không có chất VOCs là tốt nhất.
7. Kiểm tra nước của bạn
Uống đủ nước là một phần thiết yếu của lối sống lành mạnh, nhưng những gì đang ẩn náu trong nước cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn mang bệnh.
Radon - một chất có liên quan đến ung thư phổi, là một chất gây ô nhiễm thường xuyên có trong một số nguồn nước. Do đó, hãy kiểm tra nguồn nước bạn vẫn dùng hàng ngày để biết nó có an toàn hay không, nếu có nguy cơ thì cần có biện pháp xử lý kịp thời.
8. Không dùng băng phiến
Trước đây, nhiều người có thói quen để băng phiến trong tủ quần áo để đuổi kiến, gián hay là để quần áo không có mùi ẩm mốc trong tủ. Thế nhưng bạn có biết rằng, thói quen này chính là một nguy cơ tiềm ẩn đặt sức khỏe của bạn vào mức nguy hiểm.
Hầu hết các quả băng phiến này chứa naphthalene - một chất được coi là một đóng góp đáng kể vào việc giải phóng VOC trong nhà.
Nếu muốn quần áo thơm tho theo cách này thì bạn có thể thay băng phiến bằng các sản phẩm mùi thơm tự nhiên như cây tuyết tùng, định hương, quế...
9. Hít thở không khí trong lành
Nếu bạn muốn giảm nguy cơ ung thư phổi của bạn, thường xuyên hít thở không khí trong lành có thể giúp bạn. Các khu vực có mật độ dân số cao có xu hướng có nồng độ VOCs trong không khí cao hơn.
Vì vậy, nếu có thể, hãy dành thời gian đến những nơi nhiều cây xanh, không khí trong lành để nghỉ ngơi, đồng thời "chăm sóc" lá phổi của bạn từng chút một.
10. Chăm vận động
Chăm vận động là cách tốt nhất giúp phổi có cơ hội "chiến đấu" để khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục aerobic không chỉ là cách tuyệt vời để tăng khả năng hoạt động phổi của bạn mà còn giúp giảm nguy cơ ung thư phổi đến 50%.
11.Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Một trong những cách đơn giản nhất để phòng ngừa ung thư phổi là kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bác sĩ sẽ không chỉ khuyên bạn làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư phổi và cải thiện sức khoẻ hô hấp tổng thể mà còn giúp bạn phát hiện ung thư sớm cũng như có kế hoạch điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu sớm phát hiện ung thư phổi
Theo Bác sĩ BV 108, bệnh nhân cần được khám lâm sàng một cách tỉ mỉ, đối với các bệnh nhân đã biết rõ hoặc nghi ngờ ung thư phổi vì những biểu hiện đa dạng của diễn tiến tại chỗ - tại vùng và di căn xa.
Ung thư trong nhu mô phổi không gây đau đớn thế nên thường khi bệnh diễn tiến xa mới có các triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng xuất hiện vào lúc chẩn đoán ung thư phổi tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối bướu, của bất kỳ ổ di căn nào cũng như mức độ xâm lấn đến các cơ quan, sự xuất hiện ngẫu nhiên của dấu hiệu tiền ung thư.
Ho nhiều: Các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Có thể kèm triệu chứng khan tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.
Đau tay, vai và các ngón tay: Khi bướu ở tại đỉnh phổi, hiện tượng xâm lấn thành ngực và mạng thần kinh cánh tay gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da. Nhóm triệu chứng này được gọi là hội chứng Pancoast. Khi ung thư ở đỉnh phổi đã gieo rắc và xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, hội chứng Horner xuất hiện với triệu chứng sụp mi cùng bên tổn thương (sa mí mắt), đồng tử co lại, lõm mắt (mắt thụt vào trong hốc mắt) và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương.
Sụt cân: Trong bất kì trường hợp nào, sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến việc bạn đã cắt giảm calo hoặc tập thể dục... thì rất có thể là do bệnh tật gây ra, kể cả bệnh ung thư. Thêm vào đó, nếu bạn cảm thấy ăn không ngon miệng thì càng dễ kết luận nguyên nhân có thể là do một khối u bên trong cơ thể bạn gây ra, không ngoại trừ khối u ở phổi, dẫn đến ung thư phổi sau này. Khối u này sẽ là tăng đột ngột sự trao đổi chất trong cơ thể bạn và gây ra tình trạng trên.
Thường xuyên bị nhiễm trùng: Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp và dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mãn tính khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng phổi mãn tính, bạn nên dành thời gian đi chụp X-quang phổi để biết mình có nguy cơ bị ung thư phổi hay không.
Bất thường ở các mô vú: Dấu hiệu này thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Đó là tình trạng vùng ngực to lên bất thường do các tế bào bệnh ung thư kích thích sự tiết nội tiết tố một cách bất thường. Tuy nhiên, chị em cũng không nên bỏ qua điều này, vì rất có thể đó là do các tế bào ung thư phổi hoặc ung th ở bộ phận khác gây ra.
Những dấu hiệu tiền ung thư: Những dấu hiệu tiền ung thư rõ rệt gặp ở khoảng 10% bệnh nhân ung thư phổi. Tổng trạng bệnh nhân suy giảm do yếu tố hoại tử bướu. Bệnh lý xương khớp phì đại do phổi có lẽ do thiếu oxy mạn tính, biểu hiện bởi hiện tượng ngón tay dùi trống. Ngón tay dùi trống gồm sự gia tăng kích thước cả bề ngang các móng của ngón tay lẫn bề mặt lồi của ngón tay nhìn nghiêng. Các hội chứng khác gồm có rối loạn đông máu, các biểu hiện của da, thần kinh, nội tiết, thận và hệ cơ.
Ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất là cho việc tầm soát là chụp X-quang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp cắt lớp điện toán ngực (CT Scan).
Tuy nhiên việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ cao. Theo các hướng dẫn từ Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên CT Scan hàng năm cho các đối tượng như tuổi 55-74 tuổi, hút thuốc trên 30 gói thuốc/năm hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại.
Bên cạnh những thuận lợi từ việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi như khả năng trị khỏi, giảm nguy cơ tử vong nhưng cũng có những bất lợi như:
• Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương bất thường khi phát hiện được cần phải có những bước để đánh giá tiếp theo, như các thầy thuốc sẽ dùng kim nhỏ chọc hút vào khối bướu hay đôi khi phải mổ để có được chẩn đoán chính xác, điều đó có thể gây ra tai biến không mong muốn trong khi phần lớn các bướu lại là lành tính.
• Chụp X-quang làm tăng nguy cơ phơi nhiễm chất phóng xạ dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, cuối cùng khi kéo dài thời gian theo dõi các tổn thương ở phổi sẽ gây nên tâm trạng lo lắng cho người bệnh.