Từ ngày 18 đến 28/11, tại Nhà hát Tháng Tám (thành phố Hải Phòng), Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc - 2021 (Đợt 1).
Tham dự Liên hoan có 19 đơn vị chuyên nghiệp trên toàn quốc. Trong đó, có 18 đơn vị thuộc khu vực phía Bắc và 1 đơn vị thuộc khu vực phía Nam là Nhà hát ca, múa, nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận.
Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đơn vị nghệ thuật được đăng ký tham gia 1 chương trình có thời lượng từ 80 phút đến 110 phút. Các chương trình, tiết mục đã đạt giải thưởng trong các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, Hội chuyên ngành tổ chức không được tham dự Liên hoan.
Các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan đảm bảo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền của nghệ sĩ biểu diễn và các quy định của pháp luật hiện hành. Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm, bản phối khí và hình ảnh của đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan để phục vụ trong công tác quản lý nhà nước.
Tham gia Liên hoan lần này, mỗi đơn vị được lựa chọn chương trình biểu diễn ở cả 3 loại hình ca, múa, nhạc. Về thanh nhạc, bao gồm ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng; Hình thức biểu diễn: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; Phần ca, nhạc đệm phải được các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp.
Về biểu diễn múa, bao gồm kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, tác phẩm múa ngắn; Hình thức biểu diễn: múa ít người, múa tập thể. Về khí nhạc gồm các tác phẩm âm nhạc dành cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử hoặc phối hợp giữa các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ điện tử; Hình thức biểu diễn: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu và hòa tấu; Phần nhạc đệm phải được các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp.
Theo Ban tổ chức, quy định quy chế các tác phẩm tham dự Liên hoan hướng tới chủ đề ca ngợi đất nước, quê hương và con người Việt Nam trong thời đại mới với những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất đạo đức trong sáng, sự đoàn kết, giúp đỡ, san sẻ yêu thương, đặc biệt trong giai đoạn chống đại dịch Covid-19.
Đối với các chương trình, có kết cấu, bố cục chặt chẽ xuyên suốt chủ đề, nêu bật được tư tưởng của tác phẩm. Có sự kết hợp hòa âm phối khí, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng sân khấu. Đối với các tiết mục biểu diễn của các cá nhân, có sự nhuần nhuyễn các yếu tố ca, múa, nhạc, phối với trang phục, đạo cụ tạo nên sự hài hòa, độc đáo, gây ấn tượng, thu hút khán giả. Ban tổ chức khuyến khích các đơn vị, cá nhân xây dựng các chương trình, tiết mục phong phú, có sự làm mới, sáng tạo và đa dạng hóa hình thức trình diễn, tạo dấu ấn vùng miền và phong cách riêng của cá nhân, đơn vị.