1972 - Những ngày tháng không quên

THƯ HOÀNG 28/12/2021 09:00

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cuộc chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn luôn được nhắc nhớ. Và khi nhớ về những ngày B-52 quần thảo trên bầu trời Hà Nội, tôi nhớ tới Trung tướng Phan Thu - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 1969-1982.

Phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau những trận bom B-52 (tháng 12/1972). Ảnh: TTXVN.

1. Trung tướng - PGS Phan Thu quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Năm 1970, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Trung tướng Phan Thu cũng đã từng xuất bản cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể”. Tôi nghĩ, đây là cuốn sách quý, bởi bên cạnh việc đưa ra nhiều số liệu Trung tướng Phan Thu đã kể lại nhiều câu chuyện mà ông đã chứng kiến, đã trải qua đồng thời có những phân tích, lý giải về nguyên nhân tại sao chúng ta lại đánh bại những cuộc tấn công bằng B-52 của Mỹ.

Bước vào chiến dịch tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, máy bay MIG-21 của không quân Việt Nam với các phi công bay đêm chỉ bay vòng ngoài, còn vòng trong dành cho tên lửa SAM-2. Họ đã góp phần phân tán đội hình địch, làm giảm nhiễu để tên lửa đánh. Sau những ngày đầu của chiến dịch, phi công Phạm Tuân vẫn áy náy trong lòng với món nợ không quân Việt Nam chưa bắn rơi B-52. Ngày 27/12/1972, trong chiến dịch chống cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ ra Hà Nội, Hải Phòng, phi công Phạm Tuân là người đầu tiên đã trả được món nợ đó. Tiếp theo, ngày 28/12/1972, cùng với phi công Phạm Tuân, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 2, đem lại niềm tự hào cho không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đã có những câu hỏi được đặt ra như: Tại sao Việt Nam đánh thắng được B-52?; Tại sao B-52 bị bắn hạ ở Việt Nam trong khi trên toàn thế giới, chưa một nước nào làm được việc đó? Trung tướng Phan Thu lý giải: “Để đánh thắng B-52, ta đã dốc sức và tích cực chuẩn bị trên các mặt trận, từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch và cấp chiến thuật. Mọi người trong Quân chủng đều đóng góp phần của mình, từ người lãnh đạo chỉ huy, đến người chiến binh ngồi trên mâm pháo, bên giàn tên lửa, trên máy bay chiến đấu, trong trạm xưởng, trong phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật...”.

Theo Trung tướng Phan Thu, chính những hình ảnh nhiễu trên màn hiện sóng radar “cổ lỗ sĩ” K8-60 đã vạch mặt pháo đài bay B-52 hiện đại của Mỹ; và cũng chính bộ đội phòng không Việt Nam đã phát minh ra phương pháp 3 điểm, cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 để chống nhiễu rãnh mục tiêu và rãnh nhiễu đạn tên lửa… Trong chiến dịch Linebacke II, Mỹ bị tiêu diệt 81 chiếc máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52. Trong 34 chiếc B-52 có 29 chiếc B-52 là do tên lửa SAM-2 bắn rơi và trong 29 chiếc B-52 bị bắn rơi đó có 16 chiếc B-52 bị bắn rơi tại chỗ.

Trung tướng Phan Thu cho rằng, cách đối phó của Việt Nam là sử dụng MIG-21 bay vòng ngoài, uy hiếp máy bay gây nhiễu ngoài đội hình không tiếp cận được mục tiêu đánh phá, làm nhiễu giảm nhẹ đi, giúp cho tên lửa bắt được B-52, chờ thời cơ bám sát B-52 để tiêu diệt B-52. Ở các trận địa phòng không, tên lửa SAM-2 sử dụng một cách đánh hữu hiệu, phát sóng gần để chống Shrike, chọn cự ly phát sóng thích hợp để có thể bắt được B-52, tranh thủ bắn bằng phương pháp bắn đón. Nếu không bắt được B-52 thì đánh bằng phương pháp 3 điểm, bám sát vào dải nhiễu B-52 hoặc bám sát theo phần tử của radar K8-60 (đối với 2 tiểu đoàn của 261 và 257), thành thạo cách chuyển phương pháp bắn khi còn đủ điều kiện và bắt được B-52. Với cách đánh thông minh và sáng tạo như vậy, tên lửa SAM-2 đã phát huy đượcc hiệu quả bắn và nâng cao khả năng chống được Shrike vừa tiêu diệt địch vừa bảo vệ mình. Tinh thần của cách đối phó trên hình thành nên cẩm nang Cách đánh B-52 là “bảo bối” đã vô hiệu hóa cách đánh của B-52.

2. Trong những ngày cuối tháng 12 này, tôi còn nhớ tới ông Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 1969-1982. Trong căn phòng nhỏ trên tầng hai số 34 Yết Kiêu, khi tôi gợi câu chuyện về những ngày tháng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, ông Đại rơm rớm nước mắt. Ông kể: “Máy bay Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai nhiều lần. Lần thứ nhất đó là ngày 26/7/1972. Sau đó, ngày 18/12/1972 là lần 2. Ngày 20/12 lần 3, 22/12 là lần thứ 4. Bom nổ thì bom chồng lên hố bom. Ý đồ của Mỹ là muốn tiêu diệt Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở y tế lớn, quan trọng và có tiếng nhất, tập trung nhiều bác sĩ giỏi của Hà Nội và toàn miền Bắc”.

Theo ông Đỗ Doãn Đại, trận ném bom ngày 22/12 là kinh khủng nhất. “Hồi ấy nhà tôi ở khu tập thể Kim Liên, rất gần Bệnh viện Bạch Mai. Rạng sáng ngày 22, thấy khu tập thể Kim Liên chao đảo hết cả, rồi những quầng lửa đỏ và những tiếng ầm ầm của B-52, sau đó là hàng loạt bom dội xuống. Tôi nghe tiếng nổ biết là nó đánh hướng bệnh viện, tự nhủ Bạch Mai của mình dính bom B-52 rồi”, ông Đại kể.

Khi nghe còi báo yên, ông Đại liền đạp xe sang bệnh viện. “Tôi đạp xe vào đến cổng thì không thể đi được nữa. Mọi thứ tan hoang cả. Tiếng kêu la thảm thiết. Khoa Thần kinh, khoa Tâm thần, Tai Mũi Họng tơi bời. Tôi vứt xe đạp một chỗ rồi đi như chạy trên đống đổ nát để vào nắm tình hình xem thế nào. Chỗ tôi vẫn ngồi làm việc và trú ẩn mỗi khi có bom, cả tòa nhà từ tầng 2 sập xuống, vùi kín hết cả miệng hầm. Tôi đi một vòng, thấy cổng bệnh viện bị san phẳng, phòng khám bên tay phải bị san phẳng. Hầm của khoa Da liễu sập đến tận đáy. Đi đến đâu cũng thấy tiếng rên la, kêu khóc, kêu cứu”, ông Đại kể tiếp.

Trong trí nhớ của ông Đại, Bệnh viện Bạch Mai khi đó có nhiều hầm, rồi lại có những hầm nối thông từ khoa này sang khoa khác. Khi có báo động, các bệnh nhân được chuyển vào trước, các bác sĩ, y tá, hộ lý ở ngoài phía cửa hầm. Cũng chính vì thế, khi B-52 ném bom hòng hủy diệt bệnh viện, uy hiếp tinh thần nhân dân thì số bệnh nhân bị thương, bị chết “ít thôi, còn chủ yếu là các bác sĩ”.

Bệnh viện Bạch Mai lúc đó chẳng khác nào một mặt trận và ông Đại phải đưa ra những quyết định khó khăn, không chỉ ảnh hưởng tới sinh mệnh của mình mà cả của tập thể.

Trong đó, có một quyết định khiến lương tâm ông day dứt mãi. Ông kể: “Chúng tôi ở lại, cứ làm như vậy đến ngày thứ 5 thì xảy ra ném bom Khâm Thiên. Lúc ấy tôi vẫn ở bệnh viện, thấy rào rào, nhiều tấm bê tông ở Bạch Mai rơi nốt. Tôi tưởng bị bom tiếp, hóa ra không phải. Lần này là Khâm Thiên dính nặng, người bị chết bị thương nhiều vô kể. Sáng 27/12, hai đội cứu sập đến đặt vấn đề với tôi: “Anh ơi, anh cho phép chúng em mới đi, anh bảo chúng em ở thì chúng em ở. Vì ở đây vẫn chưa xong”. Tôi bảo xong thế nào được, vẫn còn tan hoang thế. Nhưng các anh ở với chúng tôi 5 ngày rồi, giờ Khâm Thiên cần lắm. Tôi biết chứ, thì thôi các anh cứ đi. Chúng tôi sẽ làm thủ công vậy”.

Quyết định “rất khó khăn” này của ông khiến nhiều người lo lắng, bởi nhỡ còn sót người thì sao. Ông Đại trấn an: “Sót lại thì mình cũng phải làm thủ công thôi, vì sau 5 ngày rồi nên người sống cũng không còn, chỉ còn xác thôi. Bên Khâm Thiên vừa bị bom, giờ còn nhiều người đang cần cứu sống hơn”. Nói như vậy nhưng trong thâm tâm vị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khi ấy cũng canh cánh. “Nhỡ vẫn còn người thì sao? Có thể không còn y tá, bác sĩ nhưng còn người nhà bệnh nhân, hay người dân đến trú ẩn nhờ?”. Những suy nghĩ đó làm ông bứt rứt khi các đội cứu sập đã đưa máy móc đi hết cả rồi. Phải một năm sau, khi tất cả đống đổ nát ở Bạch Mai được bốc dỡ lên, không thấy bộ hài cốt nào, lúc ấy lương tâm ông Đại mới thôi day dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    1972 - Những ngày tháng không quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO