77 năm từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời (2/9/1945 - 2/9/2022) lịch sử đất nước có nhiều dấu mốc quan trọng. Cùng với việc tiến hành những cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì cả dân tộc quyết chí xây dựng một đất nước Việt Nam “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những nỗ lực vượt bậc về xây dựng kinh tế, 2 “điều thần kỳ” đã xuất hiện...
Suốt trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 2/9/1945) đã phải chịu đựng và giải quyết nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc, kéo dài từ khoảng tháng 10/1944 đến tháng 5/1945, với số người chết đói được ước tính từ 400.000 người đến gần 2 triệu người.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến chống lại việc xâm lăng một lần nữa của quân đội viễn chinh Pháp. Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, cho đến năm 1954, chúng ta đã phải “tiêu thổ kháng chiến”, quân và dân đều cùng khổ.
Kể từ năm 1954, theo Hiệp định Geneve, đất nước tạm chia làm 2 miền, với dòng Bến Hải cách ngăn. Từ đó, chúng ta lại phải tiến hành một cuộc chiến đấu mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy phải mất 21 năm mới hoàn thành. Trong suốt những năm tháng ấy, nền kinh tế bị phá hủy do bom đạn, từ nhà máy, công xưởng cho đến ruộng đồng và cả những cánh rừng bị bom napal tàn phá.
Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất (ngày 30/4/1975), ngày vui hòa bình chưa lâu thì chúng ta lại phải tiến hành 2 cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, phía Nam và phía Bắc.
Một nền kinh tế đứng dậy từ hoang tàn đổ nát, lại bị bao vây cấm vận hàng chục năm ròng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Cùng đó, cơ chế quan liêu bao cấp kìm hãm, khiến Việt Nam trở thành quốc gia nghèo bậc nhất thế giới.
Nhưng rồi, “vận nước đã đến”, kể từ Đại hội VI của Đảng (họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986). Đây là Đại hội đổi mới đất nước. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công - nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Đồng thời thực hiện 3 chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu...
Từ đó, nền kinh tế được “cởi trói”, trỗi dậy.
“Điều thần kỳ thứ nhất”: Xuất khẩu gạo
Việt Nam tự hào là quốc gia có truyền thống lúa nước, đã tạo dựng nên nền văn minh nông nghiệp. Tuy nhiên, đã có những thời kỳ thiếu đói, phải nhập lương thực từ bên ngoài.
Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo. Lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào cuối những năm 1960 và trong năm 1976 còn vượt quá 1 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, nhờ Đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.
Hơn 30 năm qua, kể từ năm 1989, đến nay hạt gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang 79 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng tăng lên cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nếu như năm 1989, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 1,37 triệu tấn gạo, thì tới năm 1995, sản lượng gạo xuất khẩu tăng lên 2 triệu tấn. Con số đó lần lượt là 3 triệu tấn vào năm 1996; lên 4 triệu tấn vào năm 1999; lên 5 triệu tấn vào năm 2005; lên 6 triệu tấn vào năm 2009 và 7 triệu tấn vào năm 2011.
Một dấu mốc quan trọng khác, đó là năm 1998, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mốc 1 tỷ USD. 10 năm sau năm 1998, năm 2008 đã là 2 tỷ USD và 3 tỷ USD vào năm 2010. Từ đó, gạo đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Xét theo kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam là 1 trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới kể từ năm 2001.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng dần nâng lên, do chất lượng gạo đã được cải thiện, chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển sang những loại gạo có giá trị gia tăng cao. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động quanh ngưỡng 350-400 USD/tấn trong giai đoạn từ tháng 2/2016 đến tháng 1/2020. Tuy nhiên, từ tháng 2/2020, giá gạo của Việt Nam đã tăng lên, đạt mức 450-520 USD/tấn. Từ đầu tháng 2/2021, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn một chút so với gạo Thái Lan.
Như vậy là gạo Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Điều đó có thể nói là “thần kỳ” nếu như nhìn lại quãng thời gian rất dài phải nhập lương thực từ bên ngoài để lo bữa ăn cho dân.
“Điều thần kỳ thứ hai”: Xuất siêu
Không chỉ gạo, chúng ta còn làm được “điều thần kỳ thứ hai” về kinh tế, đó là xuất siêu ngay cả khi đại dịch Covid-19 “hạ gục” nhiều nền kinh tế thế giới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, không tính thời gian trước, riêng giai đoạn 1986-2011, Việt Nam luôn nhập siêu, chỉ khác nhau về kim ngạch tuyệt đối và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu. Có thể chia thành 3 thời kỳ chủ yếu.
Từ 1988 trở về trước, nhập siêu không lớn nhưng tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu rất cao, trên dưới 170%. Từ năm 1989-2006, nhập siêu giảm. Năm 1992, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu nhưng rất thấp (40 triệu USD). Từ năm 2007-2011, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhập siêu lớn và tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu cao; đặc biệt nhập siêu giai đoạn 2007-2010 đều trên 10 tỷ USD/năm, năm 2011 nhập siêu giảm nhưng vẫn trên 9,8 tỷ USD.
Sang năm 2012, xuất hiện sự đan xen giữa các tháng nhập siêu và xuất siêu, nhưng tính chung Việt Nam xuất siêu 484 triệu USD. Như vậy là, 10 năm trước, năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Đáng chú ý, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng thì trong xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016; tăng 6,5% so với năm 2019 (năm trước đại dịch Covid-19). Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát cao, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế suy thoái. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra chiều ngày 10/8 cho thấy, lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 57,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.